Lai Châu: Bế tắc giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù tình hình giải ngân các dự án đầu tư ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong 9 tháng đầu năm 2022 tương đối khả quan, nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt 0,156% kế hoạch. Trước thực trạng này, UBND Tỉnh vừa có văn bản nêu lý do và đề xuất giải pháp.
9 tháng đầu năm 2022, Lai Châu giải ngân được 1,335 tỷ đồng vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, bằng 0,156% kế hoạch năm. Ảnh: Phương Mai
9 tháng đầu năm 2022, Lai Châu giải ngân được 1,335 tỷ đồng vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, bằng 0,156% kế hoạch năm. Ảnh: Phương Mai

Cập nhật về tình hình giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu cho biết, có nhiều khó khăn, vướng mắc khiến việc giải ngân vốn thấp.

Số liệu của UBND tỉnh Lai Châu về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2022 cho thấy, tổng kế hoạch vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn là 855,305 tỷ đồng, đã giao chi tiết được 832,053 tỷ đồng, giải ngân được 1,335 tỷ đồng, bằng 0,156% kế hoạch.

Đến nay, 7 trong số 8 huyện, thành phố chưa hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đến danh mục dự án. Một số cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh vẫn còn lúng túng trong phối hợp, rà soát, xác định cụ thể và tính khả thi của từng nội dung, đối tượng, địa bàn, phạm vi, tiến độ triển khai.

Về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Lai Châu vừa có báo cáo gửi các cơ quan liên quan đầu tháng 10/2022 chỉ ra một số “nút thắt” chính.

Trước hết là do một số văn bản của Trung ương chưa có hướng dẫn, do đó khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa hướng dẫn thực hiện nội dung “hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự” thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 10 Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ Xây dựng chưa hướng dẫn quy trình, thủ tục quản lý chất lượng thi công, nội dung, định mức chi phí thực hiện công tác bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù...

Cùng với khó khăn trong giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lai Châu cũng cho hay, việc giải ngân vốn ODA cũng đang rất chậm. Năm 2022, kế hoạch vốn ODA đã phân bổ chi tiết là 51,279 tỷ đồng, song đến hết ngày 30/9/2022 vẫn chưa giải ngân được đồng nào.

Bên cạnh đó, một số văn bản của các bộ, ngành trung ương đã có hướng dẫn, nhưng trình tự thủ tục còn quá nhiều bước, không mang tính phân cấp cho địa phương hoặc hướng dẫn không đầy đủ, chồng chéo nên Tỉnh gặp khó khăn trong phương án, cách thức hỗ trợ…

Với “nút thắt” trên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Lai châu cho biết, Tỉnh đã và đang thực hiện những giải pháp quyết liệt. Một mặt, UBND Tỉnh có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố trên địa bàn yêu cầu khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình.

Mặt khác, UBND tỉnh Lai Châu có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương đề nghị sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành đã có hướng dẫn sớm sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ những bất cập, chồng chéo, giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng tại văn bản này, Lai Châu cho rằng, nguồn vốn năm 2022 được giao muộn. Đây cũng là năm mà Trung ương và địa phương phải xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện chương trình nên nhiều nội dung chậm được triển khai. Theo đó, Lai Châu đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn năm 2022 đến hết năm 2023 để các địa phương triển khai thực hiện.

Được biết, tại cuộc họp mới đây về tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thực hiện giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này. Tỉnh sẽ thành lập các đoàn công tác do Chủ tịch UBND Tỉnh, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Tỉnh xuống từng huyện, thành phố làm việc. Khi đó, các bên có liên quan cùng ngồi lại thảo luận, đưa ra những vấn đề còn khúc mắc, từ đó có biện pháp chỉ đạo hướng giải quyết.

Chuyên đề