Lạc quan với giai đoạn “bình thường mới”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vàng thử lửa, cái khó ló cái khôn, chính trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phát huy bản lĩnh, trí tuệ của mình, sớm tìm ra giải pháp phù hợp để thích nghi và trụ vững. Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu đến quý độc giả một số ý kiến của các DN về tâm thế cần có khi bước sang giai đoạn “bình thường mới”.
Để khắc phục những khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần quan tâm đến năng suất lao động, nâng cao kỹ năng quản lý, tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ mới... Ảnh: Lê Tiên
Để khắc phục những khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần quan tâm đến năng suất lao động, nâng cao kỹ năng quản lý, tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ mới... Ảnh: Lê Tiên

Cần đột phá số hóa thủ tục, dẫn nhanh nguồn vốn vào nền kinh tế

Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai, Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương

Với tinh thần tích cực sản xuất kinh doanh, cộng đồng DN đang dần lấy lại được nhịp độ phát triển sau những thiệt hại do dịch bệnh đem tới. Tôi tin tưởng rằng, kinh tế Việt Nam có triển vọng phục hồi tốt khi triển khai hiệu quả gói giải pháp phục hồi kinh tế tổng thể với quy mô 350.000 tỷ đồng và nhiều chính sách hỗ trợ giải ngân trong năm 2022 và 2023.

Hiện có những biến số khách quan ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế. Đó là chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina và chiến lược Zero Covid của Trung Quốc khiến nhiều DN không đủ nguồn nguyên liệu sản xuất, giá năng lượng tăng; nguồn cung cấp máy móc, nguyên liệu từ EU giảm, giá tăng; hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc gặp trở ngại. Tới tháng 6/2022 tình hình được cải thiện thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6 - 6,5%. Mỗi DN phải đưa ra các giải pháp phù hợp để ứng phó với diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Việc triển khai đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ như giãn, giảm thuế, lãi suất ngân hàng đã có tác dụng vào thực tế DN. Tâm điểm gói phục hồi kinh tế là tăng đầu tư công. Tinh thần là quyết liệt song chúng ta cần cải cách các khâu chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án để tăng tiến độ giải ngân nguồn vốn vào nền kinh tế, tạo động lực dẫn dắt đầu tư khu vực tư nhân và cả nền kinh tế phát triển. Cần đột phá về quy trình thủ tục, đặc biệt cần số hóa nhanh các hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, thanh toán dự án đầu tư công. Đơn cử như số hóa hồ sơ nghiệm thu và thực hiện nghiệm thu qua mạng thông qua chữ ký số.

Cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ, nỗ lực của các địa phương và cộng đồng DN, tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam sớm vượt qua thách thức, phục hồi tốt.

Tạo động lực để người lao động yên tâm cống hiến lâu dài

Phạm Anh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty Xây dựng Nghệ An

Nhờ chủ trương, quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ, Tổng công ty Xây dựng Nghệ An đã dần thích nghi, mạnh dạn tái khởi động sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi đã vận hành thông suốt bộ máy nhân sự, khôi phục và bình thường hóa các hoạt động trước dịch Covid-19, tham dự thầu và trúng một số gói thầu xây dựng công trình giao thông, dân dụng ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị…

Trong quá trình thi công công trình, khôi phục lại “phong độ” hoạt động sản xuất sau khi dịch Covid-19 ổn định, chúng tôi đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để người lao động có thể yên tâm làm việc, cống hiến hết mình, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của Công ty. Chúng tôi cũng vận dụng tốt các chính sách của Nhà nước hỗ trợ người lao động khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện những khó khăn do ảnh hưởng của hơn 2 năm dịch Covid-19 vẫn chưa hết nhưng Công ty xác định, đây là thời điểm để DN nhìn nhận, đánh giá lại “sức khỏe” của mình, từ đó chủ động và linh hoạt hơn, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, tìm kiếm các cơ hội công việc phù hợp, xây dựng chiến lược phát triển bền vững của Công ty thời kỳ hậu Covid-19.

Nắm bắt thời cơ, mở ra những hướng đi mới

Ông Đoàn Kỳ Bá, Giám đốc Sản xuất Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu

Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm đã gây ra nhiều khó khăn cho DN, đặc biệt là trong việc dự báo thị trường để ước tính kết quả kinh doanh. DN đang dần thiết lập trạng thái bình thường mới.

Đối với Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT), tác động tích cực và rõ ràng nhất là 100% số lượng người lao động đã quay trở lại làm việc, lượng lao động ở các nhà máy đang duy trì ở mức ổn định với tâm lý lạc quan hơn, chi phí cho việc chống dịch giảm, số lượng dự án tăng lên, từ đó cho năng suất lao động cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, trạng thái bình thường mới cũng chính là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để thực hiện các dự định, ý tưởng, nắm bắt thời cơ, tìm tòi hướng đi mới cho kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hạn của Công ty. Trước mắt, chúng tôi tập trung khai thác tốt nhất những khả năng và nguồn lực hiện có, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư tự động hóa, thực hiện chuyển đổi số một số khâu trong sản xuất, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn tiên tiến trên thế giới nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong bối cảnh bình thường mới, ACIT tự hào khi vẫn duy trì được vị thế của DN hàng đầu Việt Nam về cung cấp các giải pháp tối ưu cho hệ thống điện, với tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định qua các năm.

Trạng thái bình thường mới đã, đang và sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi DN phải có cách tiếp cận mới, cách thức và biện pháp mới phục hồi sản xuất và thúc đẩy kinh doanh. Bên cạnh nỗ lực tự cứu mình, DN cũng rất cần sự quan tâm, các chính sách phù hợp, kịp thời của Nhà nước để có thể “hồi sinh”.

Đổi mới công nghệ, phát triển bền vững

TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Trong 2 năm vừa qua, tiêu thụ xi măng trong nước có sự chững lại vì dịch bệnh, nhưng ngành xi măng vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ đẩy mạnh xuất khẩu. Bước sang năm 2022, nhu cầu trong nước có sự phục hồi do hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công.

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, quý I/2022, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt hơn 13,5 triệu tấn. Nhờ hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng trong giai đoạn này nên sản lượng tiêu thụ trong nước tăng đáng kể. Ngành xi măng luôn sẵn sàng đáp ứng được các nhu cầu xây dựng và tiêu thụ xi măng trong nước kể cả khi đầu tư công tăng tới 1,5 lần năm trước.

Tuy nhiên, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành sản xuất; cùng với đó giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng cao. Điều này làm cho giá xi măng tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tăng 1 - 3% so với quý IV/2021.

Bên cạnh việc giải quyết bài toán tăng giá của nguyên, nhiên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, các DN xi măng còn phải tăng đầu tư để sản xuất xi măng sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường. Ngành xi măng có vốn đầu tư rất lớn, máy móc sau nhiều năm hoạt động nên hỏng hóc liên tục, khấu hao nhanh…, do đó hầu hết các DN xi măng đang chịu các áp lực trong đầu tư theo công nghệ xanh, bảo vệ môi trường. Song, đó là hướng đi tất yếu của ngành xi măng trong bối cảnh tài nguyên không tái tạo ngày càng cạn kiệt. Các DN xi măng sẽ phải tăng cường sử dụng giải pháp công nghệ để tăng năng suất, nâng công suất thiết kế, gia tăng phụ gia, giảm sử dụng clinker để gắn với hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển bền vững.

Kỳ vọng hồi phục diệu kỳ sau dịch

Bà Nguyễn Thị Khánh Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Dr. Huệ

Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, DN của chúng tôi hiện đã từng bước được hồi sinh. Vẫn biết khó khăn trước mắt còn nhiều, nhưng nhìn lại những gì đã qua, đó đã là một may mắn rất lớn. Dịch bệnh là một yếu tố bất khả kháng và không ai mong đợi.

Khép lại những tháng ngày bị đóng cửa bởi lệnh giãn cách xã hội, đưa DN và người dân trở về trạng thái bình thường mới, đó là một nỗ lực không biết mệt mỏi của Chính phủ và các cấp, các ngành. Cũng từ đó đến nay, chúng tôi phải tranh thủ làm gấp đôi, gấp ba để bù đắp lại khoảng thời gian kinh doanh thua lỗ. Phải đi qua những ngày “không bình thường” vì đại dịch, chúng ta mới trân quý những ngày “bình thường mới”.

Đứng ở góc độ của một DN, chúng tôi rất tin tưởng vào quan điểm mới về chống dịch của Chính phủ. Đây chính là động lực giúp cho DN và người dân hoạt động trở lại bình thường, vực dậy việc sản xuất, đưa đời sống xã hội từng bước tiến lên. Hy vọng trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt và tất cả các DN sẽ có bước phục hồi kỳ diệu sau đại dịch.

Chính sách linh hoạt, thông thoáng sẽ tạo sự chủ động cho doanh nghiệp

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách

Khi các đợt sóng dịch Covid-19 đã qua, DN trong ngành da giày, túi xách đang tích cực triển khai các đơn hàng để bù đắp thời gian bị ảnh hưởng trước đây, một số xưởng phải dừng sản xuất… Tình hình đơn hàng khá tốt, từ nay đến cuối năm, gần như các DN trong Ngành đã kín đơn hàng.

DN phục hồi được như vậy là nhờ những quyết sách chuyển hướng kịp thời của Chính phủ. Nghị quyết số 128 đã mở ra cơ chế linh hoạt, khuyến khích sự chủ động của DN, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất. Từ đó cho thấy, mỗi khi ban hành một chính sách nào cần tránh cứng nhắc, trao quyền chủ động nhiều hơn cho DN. Giám sát chặt quá trong khi nguồn lực không đủ cũng gây khó khăn cho DN, bởi vì DN phải chờ đợi để được xét duyệt, dẫn đến làm lỡ mất thời cơ.

Thời điểm này là cơ hội lớn để DN phục hồi và phát triển nhanh. Tuy nhiên, nếu không kịp thời nắm bắt thì việc dịch chuyển đơn hàng có thể xảy ra. Vấn đề lớn nhất phải đối mặt hiện nay là năng lực triển khai, thiếu nhân công, nhiều chi phí tăng cao. Chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu, logistics, vận tải biển… gần như tăng gấp đôi so với thời điểm trước dịch. Vì vậy, mặc dù sản lượng vẫn giữ nguyên, nhưng sau khi trừ đi chi phí, tỷ suất lợi nhuận của DN rất thấp.

Để khắc phục những khó khăn, không có cách nào khác là DN phải cải thiện năng suất lao động, sản xuất hiệu quả bằng cách nâng cao kỹ năng quản lý, tiết giảm chi phí, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới. Điều này đòi hỏi nguồn lực rất lớn, do đó cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi mô hình sản xuất tiết kiệm và hiệu quả hơn. Đồng thời, cần cân nhắc tạm hoãn, lùi thời điểm thực hiện các chính sách như tăng lương tối thiểu, tăng cước phí vận tải cảng biển… giúp DN có nguồn lực để tận dụng cơ hội phục hồi nhanh hơn.

Khó khăn từ Covid-19 là động lực cho đổi mới

Ông Đào Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Kiến trúc Xây dựng và Thương mại C&T

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động rất lớn tới DN và người lao động ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế nói chung và lĩnh vực xây dựng nói riêng. Cụ thể là tác động lớn đến việc triển khai các dự án thi công xây dựng khi nhiều hoạt động bị gián đoạn, ngưng trệ, giá cả vật liệu, nhân công tăng cao… làm ảnh hưởng đến chi phí, tiến độ, tăng rủi ro cho các nhà thầu thi công. Đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 5 đến cuối năm 2021, Công ty triển khai đồng thời nhiều dự án tại các tỉnh, thành khác nhau trong cùng thời điểm dịch bệnh căng thẳng.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19, Công ty đã có những điều chỉnh nhất định để thích ứng với điều kiện mới như tìm kiếm các nguồn thu thay thế, điều chỉnh phương thức làm việc và giảm chi phí lao động.

Chúng tôi luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt trong điều kiện mới, tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động; hướng đến DN phát triển bền vững. Hiện nay, C&T đã và đang tiếp tục khẳng định được thương hiệu trong lĩnh vực thi công xây dựng hạ tầng, xây dựng dân dụng, giao thông, nhà công nghiệp, các dự án năng lượng tái tạo.

Kể từ tháng 3/2022, công tác phòng chống dịch của Chính phủ đã mang lại hiệu quả, giúp nền kinh tế và xã hội được mở cửa hoàn toàn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ DN như giảm thuế, phí, thủ tục hành chính. Trong bối cảnh bình thường mới của Việt Nam, Công ty tin tưởng mạnh mẽ về sự phục hồi của nền kinh tế cũng như sự phát triển của các DN.

Chuyên đề