Kỳ vọng vào đấu thầu chăm sóc cây xanh

(BĐT) - Đấu thầu dịch vụ chăm sóc cây xanh đô thị tại TP.HCM nhận được nhiều kỳ vọng của các nhà quản lý về tăng cường hiệu quả của việc chi ngân sách để đảm bảo tính mỹ quan của đô thị. 
Có nhiều địa phương đang chuyển dần từ đặt hàng, giao kế hoạch sang đấu thầu dịch vụ trồng và chăm sóc cây xanh. Ảnh: Tường Lâm
Có nhiều địa phương đang chuyển dần từ đặt hàng, giao kế hoạch sang đấu thầu dịch vụ trồng và chăm sóc cây xanh. Ảnh: Tường Lâm

Bên cạnh đó, nhà thầu cho rằng, càng đẩy mạnh đấu thầu càng thêm nhiều cơ hội chuyên nghiệp hóa hoạt động chăm sóc cây xanh đô thị thông qua cạnh tranh giữa các nhà thầu.

Chăm sóc cây xanh: Tưởng dễ mà khó

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tổng số cây xanh mà đơn vị này quản lý là 130.036 cây với khoảng 180 loài. Trong đó, cây xanh trong công viên có khoảng 7.380  cây với 127 loài; cây xanh trên đường phố khoảng 122.656 cây với 180 loài. Theo đánh giá của Sở, cây xanh là một trong những nét đặc trưng gắn liền với Thành phố, gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư đô thị, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc kiến tạo cảnh quan kiến trúc đô thị, cải thiện môi trường. Tuy nhiên, xét về phương diện an toàn, nhất là đối với các cây thuộc phân loại 3, cây cổ thụ là những cây đa phần tồn tại từ rất lâu, là cây lâu năm già cỗi nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do nguy cơ bị gãy đổ khi có mưa, bão, lốc, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu với những diễn biến khó lường như hiện nay.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chăm sóc, quản lý cây xanh trên địa bàn TP.HCM vẫn còn bất cập. Các chuyên gia cho biết, quy trình chăm sóc, bảo quản cây xanh chưa thực sự chuyên nghiệp. Cụ thể, trong quy trình chăm sóc, bảo quản cây xanh chưa được các nhà thầu chú trọng về đặc thù loài, về phân loại cây xanh để có quy trình tác động kỹ thuật phù hợp cho từng loài, từng kích thước cây. Bên cạnh đó, công tác cắt mé, khống chế chiều cao được thực hiện những năm trước chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây, dẫn đến nguy cơ gãy, đổ trong những năm sau. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh, cảnh quan cho biết, kinh phí cho việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh của các đô thị rất lớn, đặc biệt là TP.HCM. Do đó, thực tế khảo sát cho thấy, so với kinh phí Nhà nước bỏ ra, chất lượng cung cấp dịch vụ của các nhà thầu vẫn chưa đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật. 

Đấu thầu để tăng tính chuyên nghiệp của dịch vụ

Đấu thầu để từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhà thầu cung cấp dịch vụ chuyên ngành cây xanh đô thị. Song song với đó là xã hội hóa từng phần công việc liên quan đến cây xanh sẽ giúp công tác này ngày càng hiệu quả hơn
Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, tại TP.HCM, công tác chăm sóc cây xanh đô thị được thực hiện theo hình thức đấu thầu từ rất lâu. Từ năm 2004, UBND TP.HCM đã quy định hình thức đấu thầu rộng rãi để thu hút các thành phần kinh tế cung ứng dịch vụ bảo quản công viên, dịch vụ trồng và quản lý cây xanh. Đại diện UBND TP.HCM còn cho biết, không chỉ tăng cường áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ cây xanh chuyên nghiệp, UBND TP.HCM còn đang hướng tới chủ trương xã hội hóa để các doanh nghiệp hay đơn vị tự quản, tự tôn tạo và khai thác các dịch vụ liên quan. Theo đó, đại diện UBND TP.HCM khẳng định, qua tính toán đơn giá, xác định cụ thể chi phí cho thấy, kinh phí cho việc trồng, chăm sóc cây xanh của TP.HCM đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế.

Chuyên gia Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cho biết: “Đấu thầu để từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhà thầu cung cấp dịch vụ chuyên ngành cây xanh đô thị. Song song với đó là xã hội hóa từng phần công việc liên quan đến cây xanh sẽ giúp công tác này ngày càng hiệu quả hơn”.

Nhà thầu Công ty TNHH XD Môi trường xanh (đã từng trúng thầu nhiều gói thầu dịch vụ chăm sóc cây xanh, cảnh quan ở TP.HCM như: Cảnh quan dọc bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé; Duy tu và bảo quản kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Cải tạo cảnh quan nút giao thông Thủ Đức; Thảm xanh Khu công nghệ cao…) chia sẻ: Đối với công tác cắt tỉa cành, nhánh cần lưu ý quan điểm kỹ thuật cắt tỉa thông thoáng tán cây để giảm thiểu sức cản khi gió lùa. Công tác khống chế chiều cao của cây phải thực hiện phù hợp, cân nhắc trên từng chủng loại về tác động kỹ thuật… Do đó, cần chuyên nghiệp hóa cao độ hoạt động nghiệp vụ này bằng sự cạnh tranh minh bạch thông qua các cuộc đấu thầu thực sự. “Nhà thầu chúng tôi rất mừng vì không chỉ ở TP.HCM mà nhiều địa phương khác, công việc trồng và chăm sóc cây xanh đã chuyển dần từ đặt hàng, giao kế hoạch sang đấu thầu ngày càng nhiều. Chỉ có đấu thầu mới giúp đội ngũ nhà thầu có cơ hội chuyển mình, cơ hội để cạnh tranh thực sự, để đi lên bằng năng lực của mình” - nhà thầu này chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp TP.HCM nhận định, cần nâng cao tính chuyên ngành trong việc quản lý và chăm sóc cây xanh đô thị bằng việc thành lập mô hình cơ quan quản lý chuyên ngành về quản lý, nghiên cứu và phát triển cây xanh đường phố. Có chiến lược xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực quản lý ngành, nhân lực trực tiếp chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong dài hạn. Bản thân các nhà thầu cung cấp dịch vụ trồng và chăm sóc cây xanh cũng phải từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng mới đủ cung cấp cho thị trường tiềm năng này.

Chuyên đề