Kỳ vọng vai trò mở đường của DN nhà nước

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa phát triển tương xứng với vai trò và nguồn lực, trong khi đất nước thiếu vắng các “đầu tàu” đóng vai trò dẫn dắt DN tham gia vào chuỗi giá trị, đủ sức cạnh tranh với các DN, tập đoàn lớn trên toàn cầu. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế (TĐKT) nhà nước đa sở hữu, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Ảnh: Lê Tiên
Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Ảnh: Lê Tiên

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Dự thảo Đề án Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là TĐKT nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến. Theo Dự thảo, sau gần 35 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, DNNN đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng một số DNNN đã thực hiện được vai trò quan trọng của mình.

Dự thảo Đề án nhấn mạnh, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (gần 0,4% số lượng DN đang hoạt động), nhưng các DNNN nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng (chiếm khoảng 26% tổng vốn sản xuất kinh doanh, hơn 24% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh). DNNN có thị phần đủ lớn để đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế như: đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; chi phối lớn trong ngành viễn thông và công nghệ thông tin…

Tuy vậy, việc thực hiện vai trò của DNNN còn một số điểm tồn tại, hạn chế lớn. Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh còn hạn chế. “So sánh với khu vực DN FDI và DN tư nhân, khu vực DNNN tiếp tục có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu trong giai đoạn 2016 - 2018. Khu vực DNNN đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình DN. DNNN chỉ hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại”, Dự thảo Đề án phân tích.

Bên cạnh đó, DNNN chưa thực hiện được nhiệm vụ khuyến khích, tạo động lực đối với nền kinh tế. Trong các ngành, lĩnh vực có tính chiến lược, lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như công nghệ cao…, DNNN chiếm thị phần lớn hoặc chi phối nhưng chưa quan tâm đầu tư tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và khu vực DN.

Về vấn đề này, một chuyên gia đánh giá, phần lớn các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn hoạt động trong ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn đều vận hành theo cơ chế tương đối khép kín, chưa khuyến khích DN ngoài nhà nước tham gia vào các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do chưa có định hướng chiến lược phát triển cho khu vực DNNN, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, DN chưa đủ năng lực để tận dụng những cơ hội phát triển của thời kỳ mới…

DNNN trở thành bộ phận mở đường

Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, bước sang giai đoạn 2021 - 2025 và xa hơn là tới năm 2030, nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến sự thay đổi của nhiều phương thức, mô hình kinh doanh. Tại Nghị quyết số 12-NQ/TW, Trung ương đã đưa ra quan điểm chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm DN Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thể chế hóa chủ trương này trong bối cảnh mới, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần củng cố, phát triển các DNNN quy mô lớn, trọng tâm là TĐKT, tổng công ty có vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất lan toả cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển. Các DNNN cần phải hiện diện với một năng lực mới, diện mạo mới, thay vì trở thành một công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, Dự thảo Đề án đề xuất 4 nhóm giải pháp cần thực hiện để DNNN phát huy vai trò mở đường, trong đó tập trung vào đối tượng là 17 TĐKT, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế như: năng lượng, công nghiệp, tài chính, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng. Đó là, nhóm giải pháp về đổi mới tư duy, quan điểm về DNNN; hoàn thiện cơ chế, chính sách; đổi mới quản lý của chủ sở hữu; đổi mới quản trị trong nội bộ TĐKT.

Đặc biệt, từ việc phân tích về tình hình tài chính và tầm nhìn, định hướng hoạt động đầu tư của từng TĐKT, tổng công ty, Dự thảo Đề án lựa chọn thí điểm đưa ra những chính sách riêng biệt đối với DN hoạt động trong 3 lĩnh vực là năng lượng, viễn thông và công nghiệp quốc phòng.

Chuyên đề