Kỳ vọng và thách thức từ mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các động lực tăng trưởng chủ chốt đã có một số tín hiệu phục hồi tích cực, kỳ vọng tạo lực đẩy tốt cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Tuy nhiên, khi còn nhiều rủi ro từ môi trường bên ngoài và thách thức từ nội tại nền kinh tế, cần quyết liệt thúc đẩy đầu tư công và thực hiện các giải pháp hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% mà Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đặt ra.
Thúc đẩy đầu tư công là giải pháp quan trọng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024. Ảnh: Huyền Trang
Thúc đẩy đầu tư công là giải pháp quan trọng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024. Ảnh: Huyền Trang

Tại báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, trong khi xuất khẩu đang dần phục hồi thì tiêu dùng trong nước vẫn còn trầm lắng và tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm tiếp tục phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư còn yếu. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, 10 tháng đầu năm tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, những thách thức trong quá trình thực hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến việc triển khai giải ngân nguồn vốn từ ngân sách.

WB khuyến nghị, do tốc độ phục hồi kinh tế chậm, Chính phủ có thể cân nhắc kéo dài chương trình hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế đến năm 2024. Chú trọng việc chuẩn bị để các dự án có chất lượng cao hơn, thông qua nghiên cứu khả thi tốt hơn và cải cách thủ tục đầu tư công giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện. Cần có một lộ trình đầu tư mang tính chiến lược tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh, các dự án có khả năng phục hồi tăng trưởng và mang tính khu vực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Cũng chia sẻ về triển vọng năm 2024, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,3% với các động lực chính từ xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng trong nước, sự phục hồi của thị trường bất động sản, sự ấm lên của đầu tư tư nhân.

Cụ thể, VNDirect cho rằng, sản xuất và xuất khẩu sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi trong năm tới từ mức nền thấp của năm 2023 nhờ đơn đặt hàng tăng trong bối cảnh lạm phát và tồn kho giảm ở các thị trường phát triển. Dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 7,5 - 8% trong năm tới. Hoạt động sản xuất phục hồi cũng kích thích nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị. Dự báo kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng 9 - 9,5% trong năm tới, cải thiện từ mức giảm dự kiến 9% năm 2023.

Sản xuất và xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi nhanh trong năm 2024. Ảnh: Tường Lâm

Sản xuất và xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi nhanh trong năm 2024. Ảnh: Tường Lâm

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và năm tới sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi của ngành sản xuất, xuất khẩu năm 2024. Bên cạnh đó, sau sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ được cải thiện trong năm 2024, góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện một số gói kích thích tài chính để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nửa đầu năm 2024.

Về thị trường bất động sản, 70 - 80% khó khăn trên thị trường bất động sản hiện nay liên quan đến vấn đề pháp lý. Để hỗ trợ thị trường này, Chính phủ và các địa phương đang tích cực xử lý vướng mắc pháp lý đối với các dự án bất động sản. Đáng chú ý, lãi suất cho vay giảm 2 - 3 điểm % so với đầu năm 2023 sẽ thúc đẩy nhu cầu vay mua nhà và cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp bất động sản vào năm 2024. Hơn nữa, sự ấm dần của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng giải quyết khó khăn về vốn cho các nhà phát triển bất động sản trong những năm tới.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, xuất khẩu - động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế đang có tín hiệu khởi sắc trở lại, 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều có dấu hiệu tích cực, dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 đạt 8 - 10% trong kịch bản tích cực. Động lực thứ hai là FDI với những điểm đáng chú ý là xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục; sự phục hồi của các thị trường truyền thống và chủ đạo như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Động lực thứ ba là giải ngân đầu tư công tiếp tục cao nhờ dư địa vẫn còn lớn do nợ công/GDP thấp và sự quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để tạo động lực cho tăng trưởng.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được biểu quyết thông qua, Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), có giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia, nghiên cứu tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ.

Bên cạnh những động lực, Chủ tịch FiinGroup nhận định, rủi ro với nền kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn còn rất lớn do cả những yếu tố nội tại nền kinh tế Việt Nam và các yếu tố bên ngoài. Theo đó, triển vọng hồi phục của các nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, chưa rõ ràng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất quốc tế ở mức rất cao làm ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và cầu xuất khẩu.

“Về nội tại nền kinh tế, rủi ro chính là thị trường bất động sản có thể đóng băng dài hơn dự kiến. Bên cạnh đó, huy động vốn của doanh nghiệp có thể vẫn khó khăn. Theo thống kê, tổng lượng trái phiếu đến hạn năm 2024 rất lớn, lên đến gần 400.000 tỷ đồng”, ông Thuân lưu ý.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), để tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong năm 2024, cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và người dân. “Về đầu tư công, phải đảm bảo chi đúng và đủ cho các dự án trọng điểm. Việc giải ngân các nguồn vốn chi tiêu công, đầu tư công đúng tiến độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho tăng trưởng GDP năm 2024”, ông Việt nói.

Nhiều chuyên gia mong rằng, Chính phủ sẽ duy trì chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 và thực hiện tiếp các chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp, không nên có động thái tăng hoặc bổ sung thuế, phí mới để giúp nền kinh tế thực sự đi qua khó khăn.

Chuyên đề