Kỳ vọng tăng tốc đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyến bay thẳng đầu tiên đến Hoa Kỳ của một hãng hàng không Việt Nam vừa được thực hiện thành công, đường bay thẳng chính thức được mở ra rút ngắn khoảng cách từ Việt Nam đến Hoa Kỳ. Và dù Việt Nam vẫn đang trong thời gian khó khăn do đại dịch, nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn có niềm tin, những hợp đồng tỷ USD vừa được đặt bút ký, quan hệ đầu tư giữa hai quốc gia được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong thời gian tới.
Nhiều hợp đồng hợp tác, biên bản ghi nhớ trị giá hàng tỷ USD đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hoa Kỳ. Ảnh: Hoàng Thống Nhất
Nhiều hợp đồng hợp tác, biên bản ghi nhớ trị giá hàng tỷ USD đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hoa Kỳ. Ảnh: Hoàng Thống Nhất

Một chuyến đi, nhiều kỳ vọng

Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 21 đến 24/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp đại diện của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Hoa Kỳ và chứng kiến lễ ký kết hợp đồng hợp tác, biên bản ghi nhớ trị giá hàng tỷ USD của doanh nghiệp hai nước.

Đó là thỏa thuận lựa chọn động cơ GENx và gói bảo dưỡng cho máy bay Boeing 787-9 trị giá khoảng 2 tỷ USD giữa Hãng hàng không Bamboo Airways với GE Aviation, thuộc Tập đoàn General Electric (GE), Hoa Kỳ. Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn UPC Renewables (Hoa Kỳ) về hợp tác đầu tư các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu với tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD. MOU giữa Công ty CP Chân Mây LNG và GE, Tập đoàn Excelerate Energy (EE) để phát triển Dự án Chân Mây LNG (4.800 MW) tại Thừa Thiên Huế, trong đó, MOU với EE trị giá 800 triệu USD, với GE trị giá 2,4 tỷ USD. Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) ký kết thỏa thuận liên doanh thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Hoa Kỳ với Tập đoàn AES, tổng vốn đầu tư dự kiến 1,31 tỷ USD.

Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup và Google Cloud (Hoa Kỳ) cũng ký kết MOU về việc triển khai chiến lược chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh. Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) và Công ty CFM International ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng động cơ tàu bay mới...

Trong các cuộc làm việc, lãnh đạo nhiều hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đánh giá cao những lợi thế, chuyển biến tích cực trong môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, thể hiện sự quan tâm cũng như cam kết đồng hành, đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris khẳng định, quan hệ hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh đang được tăng cường, đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về kinh tế, thương mại, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ...

Cơ hội rộng mở

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 20/9/2021, Hoa Kỳ đứng thứ 9 về đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 425,62 triệu USD. Lũy kế đến nay, Hoa Kỳ đứng thứ 11, với 1.125 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 9,704 tỷ USD.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, kết quả đầu tư này chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai nước và cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ trong thời gian tới đang rất lớn. Trong chính sách ứng phó với Trung Quốc, Hoa Kỳ đang coi trọng và chủ trương đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, trong đó có Việt Nam, để giải quyết các vấn đề chiến lược của mình. Bên cạnh đầu tư chính thức, doanh nghiệp Hoa Kỳ còn đầu tư vào Việt Nam thông qua các công ty con đăng ký tại một số nước khác. Nếu tính cả các dự án đầu tư thông qua các công ty con ở nước thứ ba thì đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam lớn hơn khá nhiều. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhiều lợi thế mà nhà đầu tư Hoa Kỳ cần, ngoài lợi ích địa chính trị, có lợi ích kinh tế lớn khi có thị trường mở, nguồn lao động dồi dào, rẻ hơn so với nhiều nước trong khu vực, chất lượng nguồn nhân lực đang cải thiện, cải cách liên tục về chính sách, dư địa nhà đầu tư phát triển còn nhiều,…

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các thế mạnh của Hoa Kỳ khi được kết hợp với những lợi thế của Việt Nam sẽ mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho cả đôi bên. Việt Nam chủ trương hướng mạnh vào việc tiếp cận và thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ theo hai hướng: thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu; tạo điều kiện để một số tập đoàn xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ có khả năng mở ra cho sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hoa Kỳ bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng của Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư