Kỳ vọng phát triển từ những công trình kết nối liên vùng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các tỉnh vùng miền Trung, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Để hai vùng bứt phá trong tương lai, một trong những điều kiện quan trọng là tăng tính liên kết vùng với những công trình có tính kết nối đồng bộ, phát huy tốt nhất tiềm năng, mở ra những không gian, động lực, nguồn lực phát triển mới.
Việc đầu tư các tuyến đường liên vùng và tuyến đường ven biển sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng không gian phát triển kinh tế cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Ảnh: Lê Tiên
Việc đầu tư các tuyến đường liên vùng và tuyến đường ven biển sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng không gian phát triển kinh tế cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Ảnh: Lê Tiên

Sau Hội nghị trực tuyến xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, ngày 27/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục làm việc với các tỉnh vùng miền Trung và Tây Nguyên về nội dung này.

Bộ KH&ĐT nhận định, cả 2 vùng dù đều có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển nhưng động lực tăng trưởng còn yếu, nhất là vùng miền Trung vẫn chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay sẵn có. Tổng GRDP của cả 2 vùng chỉ chiếm khoảng 17 - 18% cả nước (diện tích chiếm 45,3%, dân số chiếm 27% cả nước), GRDP bình quân đầu người vẫn thấp hơn khá nhiều so với bình quân chung cả nước.

Hiện tại, kết cấu hạ tầng của các địa phương trong vùng đều đã được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, vùng miền Trung có 9 cảng hàng không, đã hoàn thành các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng, hệ thống đường cao tốc, đường bộ, cảng biển, cảng hàng không. Bên cạnh đó, đã hoàn thành nâng cấp hệ thống đường quốc lộ, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đang triển khai các tuyến Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan (địa bàn Thừa Thiên Huế)...

Vùng Tây Nguyên đã có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, kết nối liên vùng được hoàn thành, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền 5 tỉnh Tây Nguyên, nâng cấp các tuyến quốc lộ 14c, 14, 25; đã nâng cấp một số tuyến tỉnh lộ nối với các tỉnh miền Trung... Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, liên kết vùng vẫn còn yếu, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế thiếu sự gắn kết, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau, dẫn tới không thể liên kết được. Các tuyến đường liên vùng, đường ven biển và các tuyến hướng Đông - Tây và các tuyến kết nối cảng biển chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Để phát triển bứt phá hơn, một trong những kiến nghị được nhiều địa phương nêu lên tại Hội nghị là ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình liên kết vùng. Đại diện nhiều tỉnh Nam Trung Bộ kỳ vọng có các công trình kết nối với Tây Nguyên, như cao tốc nối Buôn Mê Thuột - Nha Trang, nối Quy Nhơn - Gia Lai... Về kết nối dọc, đại diện các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị… đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến đường ven biển và cao tốc Bắc - Nam trong phát triển liên vùng.

Ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ mong muốn nguồn cân đối ngân sách trung hạn dành nguồn lực đầu tư các công trình kết nối miền Trung và Tây Nguyên thông suốt, chặt chẽ hơn. Lãnh đạo tỉnh Bình Định kiến nghị Trung ương sớm đầu tư cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Bình Định, Bình Định - Phú Yên, nếu có thể hoàn thành trước năm 2025 thì sẽ phát huy hiệu quả kết nối vùng rất tốt. Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị các cơ quan trung ương tập trung chỉ đạo, dồn nguồn lực, kể cả ngân sách nhà nước, tư nhân để hoàn thành sớm, nối thông toàn tuyến đường ven biển, phát huy hết lợi thế, tạo động lực phát triển mới cho các tỉnh miền Trung trong tương lai...

Việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các công trình liên kết vùng, có tác động lan tỏa cũng là vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh với các vùng trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới.

Đặc biệt, tuyến đường ven biển, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, rất cần thiết đầu tư để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng không gian phát triển kinh tế; tạo quỹ đất phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối cảng biển, sân bay, đóng vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Khi đầu tư toàn bộ tuyến đường ven biển thì có thể gọi nôm na là mở toang cánh cửa hướng ra biển cho phát triển kinh tế, có không gian rộng lớn cho phát triển từ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng chế biến thủy sản… Đây là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế của các tỉnh có đường ven biển đi qua, cũng như kết nối vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế ven biển cả nước. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương, khi phát triển hành lang ven biển phải quản lý chặt chẽ quỹ đất dọc hành lang vì đây sẽ là nguồn lực rất lớn để thực hiện nhiều nhiệm vụ đầu tư phát triển khác trong tương lai...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư