Cảng hàng không Quảng Trị được đầu tư theo phương thức đối tác công tư |
Từ đường bộ cao tốc...
Cuối tháng 4 vừa qua, khu vực miền Trung được bổ sung hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt vào khai thác. Cả hai dự án thành phần này đều được đầu tư theo phương thức PPP. “Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và địa phương; sự quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng với nỗ lực của nhà đầu tư và các đơn vị liên quan, hai dự án này vượt khó khăn về đích theo kế hoạch, tiết giảm được gần 1.400 tỷ đồng, đánh dấu sự thành công của xã hội hóa nguồn lực trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, Bộ GTVT đánh giá.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, hai dự án thành phần trên về đích sẽ nâng tổng số chiều dài cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được đưa vào khai thác lên 634 km, góp phần cùng cả nước hoàn thành vượt mốc 2.000 km... Không chỉ nâng tầm kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, đối với các địa phương Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, dự án đưa vào khai thác có ý nghĩa lớn, mở ra không gian phát triển mới, có tính kết nối liên vùng. Đồng thời, các dự án cũng góp phần rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Nha Trang và từ Thủ đô Hà Nội đến TP. Vinh (Nghệ An). Các dự án sẽ là những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu hút đầu tư, phát triển du lịch cho khu vực miền Trung.
Theo thiết kế, Dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài hơn 49 km, tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà nước tham gia hơn 6.067 tỷ đồng. Dự án thành phần này được thực hiện bởi Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng.
Còn đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài tuyến 79 km đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước góp khoảng 5.139 tỷ đồng. Dự án do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194 thực hiện đầu tư. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Từ Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung ngược lên Tây Nguyên, dải đất cao nguyên bao la rộng lớn, nhiều tiềm năng khoáng sản, cây công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Vùng đất này đang có cơ hội mở toang cánh cửa phát triển theo hướng liên kết với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP.HCM trong tương lai gần khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Trong 5 thành phần của dự án với tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng thì thành phần 1 sơ bộ tổng mức đầu tư 19.612 tỷ đồng được đầu tư theo phương thức PPP, phần ngân sách trung ương tham gia là 6.842 tỷ đồng. Dự án được Bộ GTVT đề xuất được triển khai theo cơ chế đặc thù nên thời gian chuẩn bị đầu tư sẽ được rút ngắn từ 2 năm xuống 1 năm. Bộ GTVT cho biết, sau khi hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Phước với vai trò là cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
... đến cảng hàng không
Ngày 6/7/2024 chứng kiến một mốc son đối với tỉnh Quảng Trị trong tiến trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông. Đó là ngày mà UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh T&T - CIENCO 4 khởi công Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) tại huyện Gio Linh với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Đây là dự án tiên phong được đầu tư theo phương thức PPP ở lĩnh vực hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 12/2021 và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023.
Theo thiết kế, CHK Quảng Trị được thực hiện trên diện tích hơn 265 ha, xây dựng đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu lượt hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm. Thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, CHK Quảng Trị sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, CHK Quảng Trị là công trình mang biểu tượng hòa bình và hiện thực hóa khát vọng “Mở cửa bầu trời - Cất cánh bay lên” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị. “Nằm ở giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, việc đưa vào khai thác CHK Quảng Trị sẽ góp phần kích cầu du lịch, kết hợp vận chuyển hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay. Bên cạnh đó, CHK Quảng Trị sẽ trở thành điểm nhấn về hạ tầng giao thông, là điều kiện quan trọng thu hút doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến đầu tư. “Công trình sẽ nâng cao năng lực kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được khai thác, đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Cùng với các dự án như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Quốc lộ 15D, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, đường ven biển nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây, cao tốc Lao Bảo - Cam Lộ, cảng nước sâu Mỹ Thủy, tuyến đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo, CHK Quảng Trị là mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện mạng lưới giao thông của địa phương, trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Trị phát triển”, ông Võ Văn Hưng nói.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group, Tập đoàn dành rất nhiều tâm huyết cho mảnh đất Quảng Trị. T&T Group cam kết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành CHK Quảng Trị, đưa Dự án trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương; đồng thời là cầu nối nhân dân cả nước hướng về vùng đất thiêng Quảng Trị.
Được biết, sau CHK Quảng Trị, tháng 4/2024, Bộ GTVT đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tại miền Trung và Tây Nguyên là loạt dự án CHK như Phan Thiết, Phù Cát, Cam Ranh, Liên Khương, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột… Tại Tờ trình, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức PPP đối với các CHK mới.