Kỳ vọng lớn từ dự án điện LNG 49 nghìn tỷ

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Với mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, Ninh Thuận đã và đang thu hút đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Ngày 14/12/2020, Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW với sơ bộ chi phí 49 nghìn tỷ đồng đã khởi động quá trình lựa chọn nhà đầu tư, với việc Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố danh mục dự án.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cung cấp điện cho khu vực miền Nam

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW thực hiện tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dự án có sơ bộ tổng vốn đầu tư hơn 49 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư sẽ được chuẩn xác sau khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong đó, chi phí thực hiện Dự án (tham khảo dự án tương tự) khoảng 41 nghìn tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 8 nghìn tỷ đồng và tổng chi phí đền bù di dân, tái định cư khoảng 100 tỷ đồng.

Về tiến độ, dự kiến hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án trong quý III/2021; hoàn thành xây dựng và đưa Dự án vào hoạt động trong quý III/2024. Thời hạn hoạt động của Dự án kéo dài 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Khi hoàn thành, Dự án góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện chậm tiến độ và một số dự án dừng triển khai như Nhà máy Điện hạt nhân…

Quy mô đầu tư Dự án gồm 4 hạng mục chính. Thứ nhất là xây dựng 1 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW. Thứ hai, xây dựng hệ thống cung cấp và xử lý nguyên liệu gồm xây dựng cảng nhập LNG; kho chứa LNG; kho tái hóa khí; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1. Thứ ba là hệ thống truyền tải điện đảm bảo truyền tải công suất toàn bộ trung tâm điện lực LNG 6.000 MW, giai đoạn 1 đầu tư các ngăn lộ phục vụ nhà máy công suất 1.500 MW. Hạng mục thứ tư là xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho toàn bộ trung tâm điện lực LNG 6.000 MW.

Về phương án đấu nối, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu nhà đầu tư khi lập phương án đấu nối cần lưu ý một số vấn đề như quy mô công suất dự kiến phát triển của Trung tâm điện lực LNG Cà Ná rất lớn (6.000 MW), khu vực Nam Trung Bộ tập trung nhiều trung tâm nhiệt điện, năng lượng tái tạo lớn nên cần thiết nghiên cứu đấu nối tổng thể, toàn diện, dài hạn cho khu vực này...

Yêu cầu đối với nhà đầu tư ra sao?

Rất nhiều nhà đầu tư lớn cả trong nước và quốc tế đang quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các dự án điện khí LNG tại Việt Nam. Có thể kể đến Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) đầu tư 4 tỷ USD vào Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu. Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đề xuất đầu tư nhà máy điện khí LNG khoảng 5,09 tỷ USD tại Hải Phòng, có quy mô lên đến hơn 4.500 MW, sử dụng công nghệ tuabin khí hỗn hợp, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025 - 2030. Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đề xuất đầu tư Nhà máy Điện khí LNG Long Sơn tổng công suất dự kiến khoảng 4.800 MW, vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD… Ở trong nước là những cái tên như T&T Group, Tập đoàn Hoành Sơn, Trung Nam Group…

Riêng Trung tâm điện lực LNG Cà Ná cũng có rất nhiều đối tác trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp và cả nhà đầu tư trong nước quan tâm, mong muốn đầu tư.

Trung tâm điện lực Cà Ná gồm 4 nhà máy nhiệt điện tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW. Tháng 4/2020, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất khoảng 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành năm 2025 - 2026; các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII hiện đang xây dựng). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà máy điện khí LNG thuộc Trung tâm, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả tốt nhất cho đất nước.

Theo thông báo mời quan tâm, nhà đầu tư cần đáp ứng yêu cầu bắt buộc là đã trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án năng lượng có vốn chủ sở hữu tối thiểu chiếm 15% tổng vốn đầu tư, trường hợp nhà đầu tư liên danh, thành viên đứng đầu liên danh đã trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án năng lượng có vốn chủ sở hữu tối thiểu chiếm 30% tổng vốn đầu tư của từng dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại trong 10 năm từ năm 2010 đến năm 2020 với tổng công suất tối thiểu 1.000 MW. Hồ sơ cũng đưa ra các yêu cầu đánh giá về năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm.

Ngoài ra, nhà đầu tư phải cam kết đầy đủ các nội dung UBND tỉnh Ninh Thuận đưa ra, trong đó có cam kết không yêu cầu bảo lãnh và hỗ trợ của Chính phủ về chuyển đổi ngoại tệ (bao gồm tỷ giá chuyển đổi); cam kết trả chi phí cho chủ đầu tư cảng tổng hợp Cà Ná với công trình dùng chung được xây dựng trước đó phù hợp với tiến độ đầu tư cảng tổng hợp Cà Ná…

Nhà đầu tư nộp hồ sơ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; đồng thời nộp 1 bộ hồ sơ gốc và 9 bộ chụp đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận (Văn phòng Phát triển kinh tế) trước 9 giờ ngày 14/1/2021 để kiểm tra, đối chiếu và lưu trữ hồ sơ.

Chuyên đề