Kỳ vọng cú hích tăng trưởng GDP nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế quý II và cả năm nay của Việt Nam được dự báo thấp hơn so với mục tiêu trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, giới nghiên cứu kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện từ quý III nhờ cú hích từ các giải pháp hỗ trợ hiệu quả, đặc biệt là giải ngân đầu tư công.
Việc tháo gỡ có hiệu quả các vướng mắc về giải ngân đầu tư công sẽ giúp nguồn vốn này trở thành cú hích cần thiết để kích hoạt các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Việc tháo gỡ có hiệu quả các vướng mắc về giải ngân đầu tư công sẽ giúp nguồn vốn này trở thành cú hích cần thiết để kích hoạt các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Cập nhật mới nhất về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP quý II chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,32% đạt được trong quý I/2023.

Theo Standard Chartered, dữ liệu vĩ mô tháng 6 có thể sẽ cải thiện nhẹ so với tháng 5 nhưng vẫn tương đối yếu do hoạt động thương mại tiếp tục suy giảm, dẫn đến hoạt động sản xuất và kinh tế chậm lại. Dù vậy, tăng trưởng GDP sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. Trong tháng 6, xuất khẩu được dự đoán giảm 5,2%, nhập khẩu giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng 1,2%. Thặng dư thương mại tháng 6 có khả năng tăng lên 4,1 tỷ USD từ mức 2,2 tỷ USD trong tháng 5.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam mới đây, Ngân hàng HSBC nhận định, 2023 là một năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam. Sau khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng của quý I/2023 thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước (quý I/2022, GDP tăng 5,05%), HSBC giảm nhẹ dự báo tăng trưởng của Việt Nam quý II ở mức 3,8% từ mức 4% và tăng trưởng năm 2023 xuống 5% từ mức 5,2% theo dự báo trước đó. HSBC cũng hạ dự báo tăng trưởng quý III xuống 5,1% từ mức 5,8%. Tuy nhiên, ngân hàng này kỳ vọng nền kinh tế hồi phục trở lại từ quý IV với mức tăng trưởng 7,3% thay cho con số 7,2% như dự đoán trước đó.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thì ước tính tăng trưởng GDP quý II đạt 5,42%. Theo VEPR, dù còn nhiều thách thức, song tăng trưởng kinh tế năm 2023 vẫn có nhiều cơ hội. Trước hết, các chính sách điều hành gần đây cho thấy quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước của Chính phủ. Thứ đến, nhiều ngành hàng có cơ hội xuất khẩu tốt trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư và việc đẩy mạnh thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.

Nhiều tổ chức dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều tổ chức dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới vẫn là duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” nhưng rất cần tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Mặt khác, cơ quan chức năng cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc xin”, tháo gỡ ách tắc đầu ra xuất khẩu. Cần rà soát, đánh giá các rào cản thương mại và đầu tư cũng như các yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa/dịch vụ của các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Trên cơ sở đó, có chiến lược và chính sách cụ thể nhằm tận dụng lợi thế từ các FTA.

Về các giải pháp hỗ trợ, theo ông Việt, tác động tích cực từ chính sách giảm thuế và phí đã được ban hành và sắp triển khai, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ có hiệu quả các vướng mắc về giải ngân đầu tư công sẽ giúp nguồn vốn này trở thành cú hích cần thiết để kích hoạt các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế trung ương, dù gặp nhiều khó khăn từ quý IV/2022 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh trong quý I/2023 song tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 3,32%, cho thấy sức chống chịu nội tại của nền kinh tế Việt Nam khá tốt.

Về chính sách hỗ trợ nền kinh tế, theo ông Tú Anh, các giải pháp tài khóa đa dạng đã được sử dụng và có hiệu quả tích cực trong năm 2022, nhờ đó, các doanh nghiệp cơ bản vẫn giữ được việc làm cho người lao động. Đồng thời, hệ thống tài chính được bảo vệ, nợ xấu được kiểm soát. Quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ cũng cho thấy, những chính sách hỗ trợ trực tiếp và phổ quát như giảm thuế, phí đã giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi ngay, mang lại hiệu quả tốt. Trong khi đó, các chính sách thực hiện qua bên thứ 3 (như chính sách hỗ trợ lãi suất) và phân nhóm đối tượng hưởng lợi sẽ có chi phí thực thi cao và kém hiệu quả.

“Nguồn vốn đầu tư công dồi dào vẫn chưa được tận dụng để tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế. Nếu 1/3 của 1 triệu tỷ đồng vốn công trong Kho bạc Nhà nước được giải ngân thì sẽ cung ứng lượng tiền rất lớn cho nền kinh tế, đồng thời tạo áp lực kéo giảm ngay mặt bằng lãi suất, tác động tích cực và dài hạn đến tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Tú Anh nhấn mạnh.

Chuyên đề