Kỳ họp bất thường lần 2 Quốc hội khóa XV: Xem xét, thông qua Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một nội dung nằm trong chương trình dự kiến của Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 5 - 9/1/2023. Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật chỉ nên đưa ra nguyên tắc cơ bản nhất, và giao Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết để tăng tính chủ động, có thể thay đổi kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, tài chính trong hoạt động của các bệnh viện là một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm và kiến nghị Quốc hội cần sớm xem xét, thông qua Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành y tế, do hành lang pháp lý hiện không rõ ràng, đầy đủ. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV và các ý kiến đóng góp khác.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu trước thềm Kỳ họp, Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội bày tỏ sự đồng thuận với dự kiến chương trình này. "Những quy định về tự chủ, giá dịch vụ khám, chữa bệnh, xã hội hóa… đang còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế, thiếu nhân lực, nhưng lại gặp khó khăn trong hoạt động mua sắm, đấu thầu... Những vấn đề này nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ không chỉ tác động đến hoạt động khám, chữa bệnh, ngành y tế, mà còn gây bức xúc cho người dân. Cơ quan soạn thảo đã rất cầu thị và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp tại Kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV. Do đó, đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Luật, giúp các bệnh viện sớm đi vào hoạt động ổn định. Khi Luật được ban hành, Chính phủ cần sớm cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn", ông Lê Hữu Trí nhận xét.

Theo ông Lê Hữu Trí, những khó khăn trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc thời gian qua xuất phát từ những thông tư hướng dẫn, trong đó có quy định về giá là nút thắt. Do đó, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh của Chính phủ cần bám sát quy định khung, không được đi chệch hướng quy định của Luật.

Mặc dù đồng thuận với sự cần thiết của việc đưa nội dung này vào chương trình Kỳ họp, một số ý kiến vẫn bày tỏ mối quan ngại khi Dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định một số nội dung, trong khi bối cảnh những khó khăn của ngành y tế đang là vấn đề cấp bách.

Chia sẻ thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết, tài chính trong hoạt động của các bệnh viện là một vấn đề rất khó. Do vậy, nguyên tắc đầu tiên của Dự thảo Luật là Nhà nước sẽ đảm bảo các hoạt động do Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện cho các bệnh viện. Khi tự chủ, các bệnh viện sẽ được tự chủ các mặt trong hoạt động của bệnh viện như: tổ chức nhân sự, phát triển hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn và các hoạt động khác... Bệnh viện được phép tự chủ những nội dung thu của các dịch vụ do bệnh viện tổ chức thực hiện mà không do Nhà nước định giá. Việc sử dụng nguồn thu đó thực hiện theo quy định của các pháp luật có liên quan. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về vấn đề tự chủ.

Đối với nội dung xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh, Dự thảo Luật quy định nguyên tắc khuyến khích xã hội hóa và Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Dự thảo Luật ghi nhận các hình thức xã hội hóa phổ biến hiện nay và khi thực hiện các hình thức này thì phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Và nội dung thứ ba đang nhận được nhiều quan tâm là giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế. Dự thảo Luật tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các ý kiến đóng góp khác để quy định cụ thể, không mang tính dẫn chiếu sang luật khác. Tính đặc thù trong hoạt động khám, chữa bệnh được thể hiện trong Dự thảo Luật là xác định cụ thể các chi phí khám, chữa bệnh để hình thành giá, nguyên tắc định giá, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, Dự thảo Luật giao Bộ Y tế quy định phương pháp định giá chung.

Liên quan đến vấn đề thẩm quyền quyết định giá của cơ sở y tế tư nhân, Dự thảo quy định cơ quan quản lý nhà nước xây dựng phương pháp đánh giá các chi phí hình thành giá, và để cho cơ sở y tế tư nhân tự quyết việc công khai, kê khai giá và chịu kiểm soát về giá theo quy định.

Đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, hiện nay tồn tại 2 luồng ý kiến khác nhau. Một là Nhà nước chỉ định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), còn lại để các cơ sở y tế tự quyết định trên cơ sở phương pháp đánh giá, căn cứ tính giá như quy định trong Dự thảo Luật.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, Nhà nước cần định giá đối với tất cả các dịch vụ khám, chữa bệnh với mức giá tối đa của mỗi dịch vụ, sau đó giao quyền cho các chủ thể liên quan quyết định giá cụ thể đối với từng dịch vụ. Ví dụ như bệnh viện thuộc Bộ Y tế là do Bộ Y tế quy định, bệnh viện thuộc Bộ Công an là do Bộ Công an quy định, bệnh viện thuộc thẩm quyền của các địa phương là do UBND cấp tỉnh quy định. Ngoại trừ, trường hợp thực hiện theo hình thức đầu tư theo đối tác công tư (PPP) hoặc thực hiện tự chủ hoàn toàn, thì cơ sở y tế được quyền tự quyết định giá, trên cơ sở mức giá tối đa mà Bộ Y tế quy định.

"Việc tự chủ của bệnh viện công lập không chỉ liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mà còn liên quan đến nhiều luật có liên quan. Chính phủ đang tiến hành rà soát, đánh giá lại tổng thể các quy định pháp luật để đề xuất hướng đi mới cho đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế. Do vậy, Luật Khám bệnh, chữa bệnh không thể quy định chi tiết tất cả, mà chỉ quy định đầy đủ những đầu mục về tự chủ bệnh viện công và thẩm quyền quyết định đối với các đầu mục đó. Còn lại, giao cho Chính phủ xây dựng quy định hướng dẫn, để tăng tính chủ động, có thể thay đổi kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn", ông Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.

Chuyên đề