Kịp thời có giải pháp hỗ trợ nhà thầu thi công khắc phục khó khăn do tăng giá

(BĐT) - Kịp thời có giải pháp hỗ trợ các nhà thầu thi công khắc phục các khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao (như hoàn thành thủ tục, hồ sơ bù giá theo hợp đồng; công bố, điều chỉnh kịp thời chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố phù hợp với tình hình thị trường…) để không ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các công trình đầu tư công. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ủy ban Kinh tế (UBKT) nêu trong Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.

Theo UBKT, năm 2022, ngoài giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 còn phải thực hiện nhiệm vụ giải ngân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. UBKT đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với tăng kiểm soát, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đúng hướng, đúng địa điểm, tránh gây áp lực nên lạm phát.

Đề nghị báo cáo chi tiết về tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân, khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm, tình hình triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia; trong đó có việc thiếu hụt vật liệu thi công, chậm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tình trạng chậm tiến độ Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể dẫn tới việc chậm trễ.

Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 đạt 18,48% kế hoạch được giao, tương đương cùng kỳ năm 2021. Theo Báo cáo của Chính phủ, một số bộ, ngành chưa phân bổ hết số vốn được giao, chưa triển khai giải ngân kế hoạch vốn, cho thấy một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ, cụ thể 17 bộ, ngành chưa thực hiện giải ngân; đồng thời đưa ra giải pháp, hướng xử lý để đẩy nhanh tiến độ giải ngân tại khu vực này.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia trong cùng một thời gian sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào đang có xu hướng tăng cao, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thi công các công trình, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ báo cáo rõ đã hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng theo Nghị quyết số 83/2019/QH14 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV chưa; làm rõ việc hệ thống định mức và đơn giá xây dựng chậm được ban hành hoặc còn chưa phù hợp có phải là nguyên nhân làm chậm giải ngân đầu tư công, chi phí đầu tư công chưa hợp lý hay không.

Từ đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp quyết liệt hơn để giải quyết những vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, đồng thời sớm báo cáo danh mục dự án thuộc phạm vi của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần có phương án phân bổ hợp lý, bảo đảm tính hiệu quả của vốn đầu tư, khả năng hấp thụ nguồn vốn, tránh việc đầu tư dàn trải. Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các chính sách cần tập trung vào cải cách thể chế đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công; cần xây dựng cơ chế đặc biệt để giám sát việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn hiện nay, vừa bảo đảm giải ngân nhanh, vừa đạt hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Chuyên đề