Kinh tế Trung Quốc chật vật chuyển mình

Muốn dẫn đầu toàn cầu về khoa học công nghệ, nhưng hệ thống giáo dục và tư duy bó hẹp đang là rào cản lớn với nền kinh tế lớn nhì thế giới.
Trung Quốc đang muốn biến mình theo quốc gia sáng tạo công nghệ. Ảnh: AFP
Trung Quốc đang muốn biến mình theo quốc gia sáng tạo công nghệ. Ảnh: AFP

Trung Quốc vẫn được xem là công xưởng của thế giới trong suốt 30 năm qua. Sự phát triển của nền công nghiệp sản xuất đã biến quốc gia này thành nền kinh tế lớn nhì toàn cầu. Nhưng giờ đây, mô hình này có vẻ không còn hiệu quả nữa, và Trung Quốc biết rằng đã tới lúc phải thay đổi.

Vốn là đất nước luôn bắt chước thành công của người khác, Trung Quốc hoàn toàn không phải là nơi dành cho sự sáng tạo. Vì vậy, giới phân tích vẫn luôn nghi ngờ liệu kế hoạch chuyển mình thành một cường quốc tiên tiến có thành hiện thực?

Câu trả lời có lẽ nằm ở Thâm Quyến - trung tâm công nghệ của Trung Quốc. Vào thập niên 80, Đặng Tiểu Bình đã chọn Thâm Quyến là nơi đầu tiên thử nghiệm đặc khu kinh tế. Các nhà máy sản xuất sau đó mọc lên khắp Thâm Quyến, cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng trên toàn thế giới. Hình thức này sau đó đã được nhân rộng khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, để theo đuổi lợi nhuận, các nhà sản xuất đã không ngần ngại tạo ra hàng nhái, hay kém chất lượng.

TCL - gã khồng lồ ngành điện tử tiêu dùng Trung Quốc - hiện là nhà sản xuất TV lớn thứ ba trên thế giới. Nhưng họ cũng ý thức được rằng không bao giờ được ngủ quên trên chiến thắng, phải luôn đổi mới phương pháp sản xuất, như thay thế nhân công bằng máy móc để đạt hiệu quả cao hơn.

Chủ tịch TCL - Li Donsheng cho biết các công ty Trung Quốc đang đi theo con đường của doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc vài thập niên trước. Họ đã sẵn sàng vươn ra thế giới và còn có sự hậu thuẫn nhiệt tình từ phía Chính phủ.

Năm 2006, Bắc Kinh tuyên bố tầm nhìn mới - rằng tới năm 2020, Trung Quốc sẽ thành một quốc gia sáng tạo. Và năm 2050, họ sẽ dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ. Điều này thoạt nghe có vẻ tham vọng, nhưng Trung Quốc có đủ tiềm lực kinh tế - chính trị để làm điều đó.

Cheetah là cái tên mới nổi trong làng công nghệ thế giới. Họ từng sản xuất phần mềm bảo mật trên điện thoại di động với 650 triệu người dùng, chỉ sau Facebook và Tencent. Nhưng Fu Sheng - ông chủ của Cheetah, không muốn dừng lại ở đó.

"Các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc có chất lượng rất ổn. Tôi tin vào ý tưởng của mình, nhưng khi đem chúng bàn với các đồng nghiệp, họ lại chẳng mấy mặn mà. Cho tới một ngày, chúng tôi có chuyến công tác tại Mỹ. Tối đó, chúng tôi ở tại một khách sạn bình dân và mua chút rượu về. Sau vài ly, tôi nói: 'Chúng ta đừng chỉ nhắm tới thị trường Trung Quốc nữa, đã đến lúc vươn ra thế giới, đặc biệt là Mỹ'. Các cộng sự đều đã ngà ngà say, nên họ đều nhất trí", ông nói.

Giờ Cheetah đã lấn sân sang mảng game và ứng dụng di động, với khoảng 60% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài. Công ty này cũng phát triển một công cụ phát sóng trực tiếp với tên gọi Live.me để cạnh tranh với Periscope và Facebook Live. Fu hy vọng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu cao hơn và dám cạnh tranh với Mỹ.

"Doanh nghiệp Mỹ đang dẫn đầu thế giới không phải bởi họ có công nghệ tiên tiến, mà nhờ lối suy nghĩ của họ. Trung Quốc coi trọng tri thức và sự chăm chỉ, còn Mỹ lại coi trọng tầm nhìn và hướng đi. Đó là khi tôi nhận ra đã đến lúc ta phải hướng ra thế giới", Fu nói.

Dù có tham vọng, có lẽ doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa đủ tầm. "Liệu Facebook hay Google thế hệ mới có thể xuất hiện tại đây không? Việc này còn cần quan sát. Những đổi mới mang tính đột phá có lẽ sẽ không dễ dàng đạt được. Hệ thống giáo dục Trung Quốc vẫn rất nặng về lý thuyết và mang tính rập khuôn", Lee Kaifu - Cựu giám đốc Google Trung Quốc nhận xét.

Tuy nhiên, tình trạng này đang dần thay đổi. Trường đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh và tổ chức Lego Foundation đang tiến hành một cuộc thí nghiệm với hy vọng thay đổi phương pháp giáo dục trẻ nhỏ.

Trong một căn phòng nhỏ, các em đứng quây quanh bàn, tự mình sáng tạo với những khối gỗ nhiều màu. "Trước đây chúng em chỉ làm theo hướng dẫn của giáo viên. Giờ có thể tự làm, đôi khi em lắp vẫn còn bị sai, nhưng đang dần tiến bộ rồi", bé Zhang Fuxiao hào hứng.

Chuyên đề