Kinh tế tập thể bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hội nghị toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT) và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 đã diễn ra sáng ngày 15/2/2022 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã (HTX) kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX, một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong 20 năm qua, việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển mới về chất và lượng, đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Số lượng HTX thời gian qua tăng, hoạt động đa dạng trên các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đến ngày 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX (gấp 2,5 lần) so với năm 2001; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 5 vấn đề quan trọng của hợp tác xã, phát triển kinh tế tập thể. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 5 vấn đề quan trọng của hợp tác xã, phát triển kinh tế tập thể. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra 5 vấn đề quan trọng của HTX, phát triển KTTT gồm: xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất, các sản phẩm KTTT; áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, làm ra các sản phẩm KTTT; việc huy động nguồn vốn, nguồn lực để phát triển kinh tế HTX; quản trị HTX để HTX chủ động đưa các sản phẩm ra thị trường và phát triển thị trường.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, qua Hội nghị này, các cấp, các bộ, ngành cần phải chỉ ra kết quả nào là nổi bật nhất trong thành tựu phát triển KTTT thời gian qua, tìm ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút ra các bài học trong việc đổi mới, phát triển HTX, cái nào làm được và chưa làm được để có giải pháp tháo gỡ về thể chế, tạo điều kiện cho KTTT, HTX tiếp tục phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, KTTT, HTX phát triển trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen với nhau. Sau 35 năm đổi mới, kinh tế nước ta có nhiều thay đổi tích cực, quá trình đô thị hóa nhanh diễn ra nhanh chóng, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn lớn. Trong bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới là phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên, tham gia mạnh mẽ vào sự nghiệp hiện đại hóa, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Chuyên đề