Ảnh minh họa. |
Tham dự Hội thảo có đại biểu đến từ một số nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Đông Timor, cùng các chuyên gia quốc tế.
Mặc dù có tên gọi “Đàm phán Mua sắm chính phủ” nhưng nội dung Hội thảo đề cập đến nhiều vấn đề mà các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, quan tâm cũng như đang phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay, đó là đấu thầu qua mạng, mua sắm xanh hay tham nhũng trong đấu thầu.
Chia sẻ kinh nghiệm về đối phó với tham nhũng, Giáo sư Sirilaksana Khoman (Uỷ ban Phòng chống tham nhũng quốc gia Thái Lan - NACC) nhấn mạnh tới những khó khăn thực tế mà Thái Lan đã và đang phải giải quyết trong nhiều năm qua. Một mình đấu thầu qua mạng không phải là “viên đạn thần kỳ” đủ sức loại bỏ tất cả hành vi sai trái trong mua sắm công. Kinh nghiệm của một số quốc gia khác cũng chỉ ra rằng, tham nhũng trong đấu thầu đang diễn ra ngày càng tinh vi, và nếu không có giải pháp triển khai hiệu quả thì mục tiêu “công khai, minh bạch” không những không đạt được, mà còn bị bóp méo thành “tham nhũng một cách công khai, minh bạch”. Tiếp nối chủ đề này, chuyên gia Francesco Checchi (Văn phòng Chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc – UNODC) chia sẻ một số phương pháp nhận diện và phòng ngừa rủi ro dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về Phòng chống tham nhũng (UNCAC).
Đấu thầu xanh (green government procurement) cũng là một chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm từ các nước tham dự. Trước ý kiến cho rằng đấu thầu xanh có thể phát sinh thêm chi phí cho chủ đầu tư, bên mời thầu do mức độ phức tạp của hàng hóa, dịch vụ, tiến sỹ Supat Wangwongwatana (nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan) khẳng định, việc triển khai hiệu quả đấu thầu xanh phụ thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển kinh tế của từng quốc gia và nên được tiến hành theo lộ trình.
Ngoài những nội dung chính nêu trên, các diễn giả tại Hội thảo cũng mang tới nhiều thông tin bổ ích về vai trò của đấu thầu đối với thương mại và phát triển trong bối cảnh hiện tại của kinh tế thế giới, về Hiệp định Mua sắm chính phủ của WTO (GPA)…
Kết hợp hiệu quả ba yếu tố: phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và thực hành vận dụng, Hội thảo “Đàm phán Mua sắm chính phủ” được đánh giá là thành công ngoài mong đợi từ phản hồi tích cực của chính các đại biểu tham dự, góp phần nâng cao năng lực cũng như tăng cường cơ hội kết nối giữa những cán bộ làm công tác đấu thầu trong khu vực.