Dự án PPP phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, từ giai đoạn xây dựng, hoạt động, vận hành đến rủi ro tài chính do lãi suất… Ảnh: Song Lê |
Ngày 30/9/2019, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm trong triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP tại Hàn Quốc. Các chuyên gia đến từ Công ty Luật Kim & Chang của Hàn Quốc đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm để đem đến thành công trong thực hiện dự án PPP.
Đại diện công ty này cho biết, tại Hàn Quốc, Luật về thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân tham gia vào vốn đầu tư xã hội được hình thành từ năm 1994, sau đó được sửa đổi nhiều lần vào các năm 1998, 2005 (bắt đầu gọi là Đạo luật PPP), năm 2009 để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của nhà đầu tư, thu hút tốt hơn nguồn vốn tư nhân. Qua 20 năm thực hiện, các dự án PPP đã giúp Hàn Quốc có được sớm hơn các cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời gia tăng hiệu quả đầu tư thông qua các sáng tạo của khu vực tư nhân. Thu hút đầu tư theo hình thức PPP cũng như một chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, góp phần giúp Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng kinh tế, giảm tỷ lệ nợ của Chính phủ.
Các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ, khi thực hiện dự án PPP, Chính phủ cũng gặp phải những áp lực từ dư luận xã hội, nhiều khi không đồng thuận khi cho rằng chi phí dự án cao, nhà đầu tư được quá nhiều ưu đãi… Để đạt được đồng thuận, cách tốt nhất là kiểm soát tốt, chọn dự án hiệu quả cao, tăng tính cạnh tranh trong thực hiện dự án…
Quan điểm xuyên suốt là muốn kêu gọi được vốn dài hạn thì Nhà nước phải đảm bảo chia sẻ rủi ro nếu nó xảy ra để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn. Bởi vì dự án PPP đối mặt với rất nhiều rủi ro, từ giai đoạn xây dựng, hoạt động, vận hành đến rủi ro tài chính do lãi suất… Pháp luật về PPP của Hàn Quốc được sửa đổi năm 1998 cho phép áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Hàn Quốc cũng chấp nhận cả những dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất, bên cạnh dự án do Chính phủ lập danh mục. Nhà nước tham gia hỗ trợ các dự án PPP để duy trì phí sử dụng ở mức phù hợp. Vốn hỗ trợ được xác định trong từng hợp đồng PPP thông qua đàm phán, riêng trong lĩnh vực đường sắt có thể chiếm 50% tổng mức đầu tư.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với dự án PPP là hợp đồng dự án. Theo chuyên gia Hàn Quốc, hợp đồng PPP không được coi là hợp đồng thương mại đơn thuần như hợp đồng giữa tư nhân với nhau. Hợp đồng PPP được ký giữa một bên là cơ quan nhà nước và một bên là tư nhân, dựa trên quyết định của Nhà nước đối với một dự án, và được coi là hành vi tiếp nối của quyết định hành chính đó. Tuy nhiên trong quá trình thảo luận, đàm phán và đi đến ký kết, về cơ bản đạt được sự bình đẳng giữa các bên ký kết hợp đồng, quy định rõ những việc mà phía Nhà nước có thể làm một cách rõ ràng. Nhà nước thực hiện hành vi của mình dựa trên các quy định của pháp luật và hợp đồng, và chỉ đưa ra các quyết định dựa trên nguyên tắc không gây ra sự tổn hại đến xúc tiến đầu tư tư nhân.
Dù xuất phát điểm của từng nước khi thực hiện PPP có thể khác nhau, sự học hỏi, chọn lựa để phù hợp với bối cảnh trong nước là cần thiết. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, qua hình thức PPP, xã hội, người dân và nền kinh tế nói chung được hưởng lợi.