Năm 2018, doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của PTiC giảm mạnh từ 155 tỷ đồng xuống còn 26,6 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi |
PTiC tiền thân là Công ty Xây dựng nhà Bưu điện, được thành lập tháng 10/1976, năm 2004 trở thành công ty cổ phần hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng.
Khi lĩnh vực xây dựng gặp khó, những năm gần đây, PTiC chuyển hướng tìm kiếm lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu. Đặc biệt, trong năm 2018, doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi đã giảm mạnh từ 155 tỷ đồng xuống còn 26,6 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính lại tăng lên 22,2 tỷ đồng.
Thực tế, PTiC bắt đầu chuyển hướng kinh doanh từ lĩnh vực xây dựng sang đầu tư chứng khoán vào đầu năm 2016. Cụ thể, chỉ trong năm 2016, số dư khoản mục chứng khoán kinh doanh của PTiC đã tăng mạnh từ 38,8 tỷ đồng lên 184,4 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, con số này tiếp tục tăng 4,5% lên 192,8 tỷ đồng và 252,6 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2018.
Việc chuyển hướng kinh doanh chứng khoán là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty liên tục âm trong nhiều năm (năm 2016 âm 160 tỷ đồng, năm 2017 âm 25,4 tỷ đồng và năm 2018 âm 77 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính mới nhất của PTiC, tại thời điểm cuối quý I/2019, Công ty ghi nhận khoản mục chứng khoán kinh doanh ở mức 358 tỷ đồng, tăng 42% so với thời điểm đầu năm 2018. Đồng thời, Công ty ghi dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 1 tỷ đồng.
Việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư chứng khoán cũng khiến cho vay nợ ngắn hạn của PTiC “phình to”. Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2019, vay nợ ngắn hạn của Công ty ở mức hơn 360 tỷ đồng, tăng 32,5% so với đầu năm. Trong đó, PTiC ghi nhận khoản vay từ hai công ty chứng khoán là Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam và Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) với số dư lần lượt là 54,3 tỷ đồng (tăng 710% so với thời điểm đầu năm) và 101,5 tỷ đồng (tăng 143%).
Vay từ công ty chứng khoán và nắm giữ chứng khoán kinh doanh, hai dữ kiện này khiến mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán liên tưởng ngay tới việc vay ký quỹ (margin) để đầu tư chứng khoán. Phải chăng đây chính là chiến lược đầu tư mà PTiC đang thực hiện? Và cũng nên nhớ lãi suất margin cao hơn nhiều so với lãi vay của các ngân hàng thương mại, trong khi đầu tư chứng khoán ở Việt Nam luôn được xếp hạng ở mức rủi ro cao.