Kinh doanh gạo thuận lợi tạo cơ hội cho Vinafood 1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi với giá bán và nhu cầu ở mức cao dự báo duy trì đến cuối năm được đánh giá là cơ sở thuận lợi để Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tiếp tục có triển vọng kinh doanh tích cực trong năm 2023.
Kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinafood 1 giai đoạn 2018 - 2022
Kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinafood 1 giai đoạn 2018 - 2022

Lãi tốt năm 2022

Năm 2022 là một năm thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam khi nhu cầu và giá bán các loại lương thực, ngũ cốc trên thế giới liên tục gia tăng ngay từ đầu năm.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 đạt 7,13 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về sản lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2014 - 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Bối cảnh thuận lợi của thị trường đã giúp Vinafood 1 ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022, với doanh thu thuần hợp nhất đạt 16.926,8 tỷ đồng, tăng 19,9% so với kết quả thực hiện trong năm 2021; lợi nhuận gộp đạt 1.289 tỷ đồng, tăng 16%. Riêng tại Công ty mẹ - Vinafood 1, doanh thu thuần trong năm 2022 đạt 10.347,4 tỷ đồng, tăng 16,7%; lợi nhuận gộp đạt 792,4 tỷ đồng, tăng 15,66% so với năm 2021.

Mặc dù tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới có những biến động thất thường làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Tổng công ty như xu hướng giá nhiều loại nguyên vật liệu và giá cước vận tải tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm 2022; mặt bằng lãi suất, tỷ giá tăng cao trong giai đoạn nửa cuối năm 2022 khiến chi phí quản lý, chi phí bán hàng và chi phí tài chính gia tăng, nhưng nhờ kết quả doanh thu và lợi nhuận gộp tích cực, sau khi khấu trừ chi phí, Vinafood 1 thu về 308,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 4,8% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Theo ông Phạm Thanh Bằng - Phó Tổng giám đốc Vinafood 1, đóng góp vào kết quả kinh doanh 2022 là việc Tổng công ty tận dụng sự chuyển biến tích cực của thị trường xuất khẩu gạo các tháng cuối năm để tăng tốc khai thác các hợp đồng xuất khẩu. Bên cạnh việc duy trì thị trường Cuba, Tổng công ty đã mở rộng sang nhiều thị trường thương mại khác như Philippines, Malaysia, châu Phi, Trung Quốc…

Triển vọng lạc quan năm 2023

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5/2023 ước đạt 1 triệu tấn với giá trị 489 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,057 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 5 tháng đầu năm đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam được đánh giá vẫn có nhiều thuận lợi với nhu cầu và giá bán dự báo duy trì ở mức cao.

Theo phân tích của Fitch Solutions - tổ chức thống kê, phân tích thị trường tại Mỹ, nguồn cung gạo toàn cầu đang thiếu hụt do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như việc thời tiết không thuận lợi ở nhiều nền kinh tế sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới. Dự báo, thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022 - 2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003 - 2004 và giá gạo sẽ duy trì ở mức cao cho đến năm 2024. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USSA) dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt 7,4 triệu tấn trong năm 2023. Bối cảnh thị trường thuận lợi và việc duy trì cơ cấu tài chính mạnh là nền tảng quan trọng giúp Vinafood 1 có triển vọng kinh doanh khả quan trong năm nay.

Trong những tháng đầu năm, nhiều “ông lớn” ngành xuất khẩu gạo khác vẫn đang trong tình trạng biên lợi nhuận mỏng, thậm chí thua lỗ vì chi phí lãi vay gia tăng. Quý I/2023, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ lỗ 7,1 tỷ đồng dù doanh thu tăng trưởng 59,4%. Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời báo lỗ sau thuế 81,2 tỷ đồng dù doanh thu tăng 4,5%, trong đó doanh thu mảng lúa, gạo tăng 41,6%.

Trong khi đó, Vinafood 1 vẫn đang duy trì được cơ cấu tài chính khá an toàn với tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn đến cuối năm 2022 đạt 4.628 tỷ đồng, chỉ chiếm 31,4% cơ cấu nguồn vốn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,61 lần, Bên cạnh đó, Tổng công ty đang có 6.470 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn các loại. Nhờ vậy, phần doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) đã bù đắp đáng kể cho các khoản chi phí tài chính như lãi vay, lỗ tỷ giá…

Theo Báo cáo mục tiêu tổng quát, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Công ty mẹ - Vinafood 1 gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch Đầu tư, năm 2023, Tổng công ty đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững thị phần tại các thị trường lớn như Cuba, Philippines, Indonesia, Malaysia…, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh kinh doanh nội địa. Riêng tại Công ty mẹ - Vinafood 1, sản lượng lương thực mua vào năm nay dự kiến là 916.151 tấn, sản lượng bán ra là 860.453 tấn, sản lượng gạo xuất khẩu mục tiêu 571.256 tấn. Tổng doanh thu dự kiến 8.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 269 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 208 tỷ đồng.

Chuyên đề