Theo kết quả kiểm toán, một số dự án đầu tư công tại Hà Nội đã phát sinh chi phí nhưng phải dừng, hoãn dẫn đến tình trạng lãng phí vốn, đầu tư không hiệu quả. Ảnh minh họa: Lê Tiên |
KTNN cho biết, UBND TP. Hà Nội cùng các cơ quan tham mưu đã cơ bản thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Khánh Toàn - Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực I, kết quả kiểm toán cho thấy, quá trình quản lý vốn, tài sản tại các doanh nghiệp trên bộc lộ không ít bất cập.
Cụ thể, một số doanh nghiệp có số dư tiền gửi ngân hàng lớn (từ vài trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng) nhưng việc quản lý tiền gửi chưa an toàn và hiệu quả. Có doanh nghiệp quản lý nợ phải thu, nợ phải trả chưa chặt chẽ, như: nợ phải thu quá hạn lớn, tồn đọng kéo dài, chưa có biện pháp thu hồi; không trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo quy định, đến mức kiểm toán không đủ điều kiện xác nhận báo cáo tài chính. Một số khoản tạm ứng cá nhân sai nguyên tắc, có nguy cơ mất vốn; không có kế hoạch cân đối dòng tiền bảo đảm thanh toán nợ phải trả theo đúng cam kết, gây nguy cơ mất khả năng thanh khoản. Điển hình là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội.
Bên cạnh đó, một số dự án do doanh nghiệp đầu tư đã phát sinh chi phí nhưng phải dừng, hoãn dẫn đến tình trạng lãng phí vốn, đầu tư không hiệu quả. Tiêu biểu là Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa phục vụ phát triển vùng hoa Tây Tựu (đã đầu tư 139,1 tỷ đồng); Dự án Xưởng phân bón Hadico (đã đầu tư 11,759 tỷ đồng); Dự án Nhà ở cao tầng kết hợp Trung tâm giới thiệu sản phẩm ở 136 Hồ Tùng Mậu (đã đầu tư 11,651 tỷ đồng); Dự án Chợ Minh Khai (đã đầu tư 4,371 tỷ đồng); Dự án Đầu tư phát triển hệ thống cấp nước dọc trục Láng - Hòa Lạc sử dụng nước sông Đà (đã đầu tư 11,118 tỷ đồng)…
KTNN cho biết, trong số các dự án trên, có trường hợp chưa đánh giá kỹ năng lực tài chính khi lựa chọn đối tác để hợp tác đầu tư xây dựng; tăng tổng mức đầu tư dự án nhưng chưa có cam kết của ngân hàng đảm bảo phương án tài chính, gây rủi ro thiếu vốn trong quá trình triển khai…
Theo kết quả kiểm toán, có trường hợp doanh nghiệp sử dụng đất thuê của Nhà nước cho hoạt động kinh doanh nhưng nhiều năm chưa kê khai, nộp tiền thuê đất. Một số công ty liên kết trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn chưa đúng, qua kiểm toán đã yêu cầu phải hoàn nhập theo quy định, từ đó tăng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cổ tức được chia cho DNNN.
Ông Vũ Khánh Toàn cho biết, việc ban hành giá bán nước sạch áp dụng cho toàn TP. Hà Nội có bất cập là tỷ lệ hao hụt nước giảm mạnh trong giai đoạn 2014 - 2016 từ 25% xuống còn khoảng 15% nhưng đơn giá nước sạch vẫn không giảm. Dự kiến chênh lệch do tỷ lệ hao hụt không phù hợp khoảng 170 - 180 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, có doanh nghiệp sử dụng đất đai không đúng mục đích được phê duyệt. Qua kiểm toán đã kiến nghị xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; kiến nghị TP. Hà Nội thanh tra toàn diện để xem xét thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Đồng thời, KTNN kiến nghị cơ quan công an điều tra xác minh thiệt hại, xử lý theo quy định của pháp luật. KTNN cho biết, một số dự án có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật như: liên danh, liên kết khi không được sự phê duyệt của UBND TP. Hà Nội; chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất ở nhưng đã thực hiện thi công xây dựng và ký hợp đồng bán căn hộ, thu tiền, bàn giao cho người dân đưa vào sử dụng.