Kích hoạt làn sóng FDI mới từ Liên minh châu Âu

(BĐT) - Hiện các nhà đầu tư thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã có 2.244 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24,67 tỷ USD, chưa tính một số dự án lớn khác thông qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba.
Với 2 hiệp định vừa được ký kết, các nhà đầu tư EU sẽ thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Tường Lâm
Với 2 hiệp định vừa được ký kết, các nhà đầu tư EU sẽ thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Tường Lâm

Với những cam kết chặt chẽ tại Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), đặc biệt là Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (IPA) vừa được ký kết, chắc chắn dòng vốn đến từ các nhà đầu tư châu Âu tới Việt Nam sẽ gia tăng.

Thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam

Đánh giá tác động của Hiệp định IPA đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, mà còn từ nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Theo Bộ KH&ĐT, mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ: tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối. Quy tắc xuất xứ trong EVFTA chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiệp định IPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính...

Bên cạnh đó, cam kết tự do hóa đầu tư trực tiếp trong EVFTA và cam kết về bảo hộ đầu tư trong IPA giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.

Tại cuộc đối thoại về EVFTA và IPA: “Cơ hội cho các doanh nghiệp” diễn ra sáng ngày 1/7, bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU nhấn mạnh, EVFTA và IPA được ký kết là cột mốc quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và EU, chắc chắn sẽ thúc đẩy đầu tư từ EU vào Việt Nam và ngược lại. “Người Việt từ lâu đã để lại dấu ấn tốt đẹp tại châu Âu. Những DN Việt Nam cũng đang đi tìm cơ hội đầu tư ở khắp nơi… Chúng ta đang đứng trước cơ hội mới” - bà Cecilia Malmstrom cho biết.

Tại cuộc họp báo về ký kết 2 Hiệp định, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, thông qua IPA sẽ có sự thay đổi lớn trong dòng vốn nhà đầu tư EU vào Việt Nam. Các nhà đầu tư EU sẽ thấy an toàn hơn khi đầu tư, lựa chọn Việt Nam và thông qua khuôn khổ EVFTA, IPA để tham gia thị trường ASEAN, CPTPP. 

Hiện thực hóa cơ hội đầu tư

2 Hiệp định được ký kết, nhất là Hiệp định IPA, được nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định như là cầu nối “thu hẹp khoảng cách phát triển, nhân giá trị mối quan hệ”, thúc đẩy làn sóng đầu tư có chất lượng từ châu Âu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa những cơ hội đầu tư mà 2 Hiệp định mang lại, Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm. Đó là cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục và giảm chi phí hành chính. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh. Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện, trình Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)…

Cùng với đó, các luật như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng… cũng đang được rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc trình Quốc hội xem xét.  Những nỗ lực này nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài…

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề cập tới việc sớm xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi 2 Hiệp định, xây dựng lộ trình thực hiện 2 Hiệp định để đảm bảo thực thi có hiệu quả. Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trình các cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng lộ trình trong 2 Hiệp định…

 “Hiệp định được thực thi càng sớm thì hiệu quả mang lại cho người dân, doanh nghiệp càng cao. Vì thế, công tác tổ chức thực thi, nhất là nội luật hóa chính sách theo hướng cải cách, kiến tạo với quan điểm chủ đạo là minh bạch, công khai và tiên liệu trước của chính sách là đặc biệt quan trọng”, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu lưu ý, đối với công tác truyền thông, chúng ta phải đảm bảo tất cả các yếu tố kỹ thuật của Hiệp định cần được giới thiệu tới 63 tỉnh, thành của Việt Nam để đảm bảo hiệu quả thực thi Hiệp định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư