Kích hoạt dòng vốn vào văn hóa - thể thao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Văn hóa - thể thao cần được đẩy mạnh đầu tư nhằm củng cố “sức mạnh mềm của nền kinh tế Việt Nam”. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công hạn chế, các lĩnh vực này rất cần thu hút nguồn lực xã hội để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đánh giá dư địa là rất lớn, nhiều địa phương mong muốn được mở rộng lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tăng cơ hội thu hút nguồn lực tư nhân phát triển các thiết chế văn hóa - thể thao.
Cần lựa chọn dự án phù hợp, khả thi về tài chính, thu hồi được vốn, theo đúng nguyên tắc dự án PPP để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực văn hóa - thể thao. Ảnh: Song Lê
Cần lựa chọn dự án phù hợp, khả thi về tài chính, thu hồi được vốn, theo đúng nguyên tắc dự án PPP để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực văn hóa - thể thao. Ảnh: Song Lê

Đã mở cơ chế cho nhiều địa phương

Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã cho phép Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa do HĐND Thành phố quy định.

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, trong đó cho phép HĐND TP. Đà Nẵng được áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng chợ. Đồng thời, Quốc hội thông qua Nghị quyết 137/2024/QH15 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Theo đó, Nghệ An cũng được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án thể thao, văn hóa.

Cùng với TP.HCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp này cũng quy định áp dụng phương thức PPP đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao trên địa bàn TP. Hà Nội. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vào thời điểm xây dựng Dự thảo Luật PPP, Bộ đã thực hiện rà soát, tổng kết thực hiện dự án áp dụng các loại hợp đồng BOT, BTO, BT và chưa kiến nghị đưa lĩnh vực văn hóa, thể thao vào Luật. Các công trình văn hóa trong giai đoạn trước chủ yếu áp dụng loại hợp đồng BT, đã dừng thực hiện từ năm 2020 theo quy định của Luật PPP. Thực tế, các công trình văn hóa chưa chứng minh được khả năng tạo nguồn thu đủ bù đắp đầu tư ban đầu của khu vực tư nhân. Khi đưa lĩnh vực văn hóa vào Luật, cần bảo đảm được lợi nhuận cho nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm không xung đột với các giá trị văn hóa truyền thống.

Từ thực tiễn cuộc sống, trên cơ sở triển khai thí điểm tại một số địa phương theo cơ chế đặc thù, Bộ sẽ đề xuất quy định tại Luật PPP, tạo cơ chế chung cho các địa phương thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.

Nhiều dư địa, nhưng cần thận trọng khi triển khai

Tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư cho các thiết chế văn hóa - thể thao là rất lớn. Theo Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư cho văn hóa là 66.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng chi đầu tư. Tỷ lệ này cơ bản đáp ứng theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, nhu cầu vốn là rất lớn, vốn của Nhà nước chỉ đóng vai trò là vốn mồi và cần có chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư khác cho văn hóa.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, Bình Dương chú trọng xã hội hóa, thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao và đã đạt được một số thành tựu. Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động tập luyện và thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Từ thực tiễn đó, để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa thu hút nguồn lực tư nhân, ông Cao Văn Chóng đề xuất đưa lĩnh vực văn hóa, thể thao vào Luật PPP.

Tại báo cáo triển khai Luật PPP năm 2022, 2023, nhiều địa phương đề xuất sửa đổi Luật PPP theo hướng bổ sung lĩnh vực văn hóa - thể thao vào Luật để thể chế hóa và áp dụng rộng rãi hơn trong cả nước. Rõ ràng, với nhu cầu đầu tư lớn, cơ hội để tư nhân tham gia vào sân chơi này là rất rộng mở. Cơ chế này còn giúp nâng cao chất lượng quản lý, vận hành công trình văn hóa - thể thao vốn còn nhiều bất cập trong thời gian qua.

Trong lĩnh vực thể thao, theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, nhiều công trình thể thao nổi tiếng trên thế giới được xây dựng thông qua phương thức PPP, như sân vận động Olympic London tại Anh; Sân vận động Aviva - sân vận động quốc gia của Ireland tại Dublin; sân vận động quốc gia Singapore; Allianz Arena - sân vận động đa năng tại Munich, Đức… Những công trình trên là ví dụ về sự thành công của mô hình PPP trong xây dựng các công trình thể thao, cho thấy khả năng kết hợp giữa nguồn lực công và tư để tạo ra những hạ tầng thể thao đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, việc luật hóa quy định thu hút tư nhân theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa - thể thao chưa bảo đảm sẽ thu hút hiệu quả dòng vốn tư nhân nếu không có sự vào cuộc đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc trong quy định liên quan đến đầu tư thiết chế văn hóa - thể thao. Từ thông lệ quốc tế, nhiều chuyên gia lưu ý, nếu triển khai PPP trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, cần lựa chọn dự án phù hợp, khả thi về tài chính, thu hồi được vốn, theo đúng nguyên tắc dự án PPP, thì mới hấp dẫn nhà đầu tư, bảo đảm hiệu quả của chính sách và tránh những hệ lụy có thể xảy ra.

Để việc triển khai khả thi, ông Cao Văn Chóng đề xuất, về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án thể thao, văn hóa, không nên cứng nhắc giữ quy định số vốn lớn như quy định của Luật PPP hiện hành. Bên cạnh đó, cơ chế khai thác cũng phải thay đổi. Nếu bỏ vốn lớn và chỉ hoàn vốn qua dịch vụ thu tiền vé thì không thể đủ bù đắp chi phí đầu tư theo hình thức PPP. Do đó, phải tháo gỡ cho cơ chế này, cho nhà đầu tư khai thác thêm trên cơ sở vật chất, hạ tầng đó, mở rộng các dịch vụ thương mại, khách sạn, nhà hàng... Vì thế, áp dụng PPP trong đầu tư thiết chế văn hóa - thể thao không chỉ là bổ sung lĩnh vực vào Luật, mà phải đồng bộ các quy định liên quan đến quá trình vận hành, khai thác, bổ sung chức năng thương mại dịch vụ đi kèm với hạ tầng thì mới hiệu quả. Nếu không thì dự án PPP văn hóa - thể thao sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư và nếu thu hút được thì vẫn tiềm ẩn những bất cập, rủi ro.

Một số nhà đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao cho rằng, dù đây là lĩnh vực ưu đãi đầu tư nhưng rất khó thu hồi vốn. Do đó, Nhà nước cần có thêm chính sách riêng về ưu đãi, vay vốn, thuế, bảo lãnh doanh thu tối thiểu để hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP văn hóa, thể thao; hoàn thiện hệ thống pháp lý một cách đầy đủ, minh bạch để thu hút đầu tư nước ngoài; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và Nhà nước; rà soát và xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển thiết chế văn hóa - thể thao, từ đó phân kỳ giai đoạn, thu hút, kêu gọi đầu tư bài bản…

Chuyên đề