Kích hoạt các nguồn lực từ nguồn vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với xu hướng tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, đầu tư công vẫn là nguồn lực vô cùng quan trọng, nhưng sẽ giảm dần tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đầu tư công sẽ giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, là vốn mồi để kích hoạt, tăng cường huy động mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ tập trung vào các dự án quan trọng, tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển kinh tế. Ảnh: Song Lê
Nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ tập trung vào các dự án quan trọng, tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển kinh tế. Ảnh: Song Lê

Những chuyển biến tích cực

Nhìn lại kế hoạch đầu tư công trung hạn đầu tiên được thực hiện (giai đoạn 2016 - 2020), theo báo cáo của Chính phủ, đã có nhiều chuyển biến quan trọng trong đầu tư công. Số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm dần, số vốn bố trí bình quân cho một dự án kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng được cải thiện, hệ số sử dụng vốn (ICOR) giai đoạn 2016 - 2019 là 6,1, thấp hơn so với mức gần 6,3 của giai đoạn 2011 - 2015.

Cùng với hiệu quả đầu tư được cải thiện, cơ cấu đầu tư cũng có những chuyển biến theo hướng tích cực. Những chuyển biến này được thể hiện trước hết ở việc giảm tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội, tăng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, bằng 33,5% GDP, đạt mục tiêu bình quân 5 năm (32 - 34% GDP). Cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước giảm, phù hợp với định hướng cơ cấu lại đầu tư công và giảm dần sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, nhất là các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh, từ mức 38,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 lên khoảng 45,6% năm 2020.

Dồn lực cho những dự án trọng điểm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tác động của dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới đến nền kinh tế nước ta là khá toàn diện, kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng suy thoái như các quốc gia khác. Theo đánh giá sơ bộ, quá trình phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế suy thoái là rất khó khăn, cần rất nhiều thời gian (khoảng từ 3 - 4 năm sau khi kết thúc dịch), tốn rất nhiều chi phí cũng như có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, kéo theo ảnh hưởng dây chuyền đến phát triển kinh tế - xã hội các năm sau, có thể phá vỡ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của đất nước.

Do vậy, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ngoài việc phải đảm bảo nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, cần có thêm nguồn lực để đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần sớm phục hồi nền kinh tế sau khi dịch được khống chế. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để nắm bắt các cơ hội xây dựng động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế trong những năm đầu của Kế hoạch, phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, chia sẻ, trong giai đoạn tới, đầu tư công sẽ vẫn là động lực vô cùng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, nhưng với xu hướng tái cơ cấu đầu tư công, tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ giảm. Vì thế, đầu tư công sẽ dần không còn chiếm vai trò lớn nhưng phải giữ vai trò dẫn dắt các động lực tăng trưởng khác. Trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ được định hướng một cách tập trung, dồn lực vào các dự án có tính chất “quả đấm thép” tạo ra động lực mới, không gian mới phát triển kinh tế, dự án liên vùng, dự án xương sống của quốc gia, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, sẽ có nhiều dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu tạo sự lan tỏa lớn được tập trung đầu tư như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường lên Tây Nguyên, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM...

Ông Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, đầu tư công phải đảm bảo 2 yếu tố tập trung và toàn diện. Toàn diện không phải ôm làm tất cả mà bao hàm, giải quyết được các trọng tâm phát triển, các thách thức, cơ hội mà nền kinh tế đang đối mặt và đang muốn phục hồi. Bên cạnh dự án giao thông, nguồn vốn sẽ tập trung vào dự án năng lượng, dự án đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, dành nguồn lực đáng kể cho các dự án đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng bố trí một cách tập trung, theo vùng...

Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đầu tàu kinh tế của cả nước. Vì thế, trong phân bổ vốn cần theo định hướng ưu tiên gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo mọi điều kiện, nhất là thể chế và nguồn lực, nhằm phát triển nhanh các vùng động lực, từ đó tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy các vùng khác phát triển.

Không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước

Với xu hướng nguồn lực đầu tư của Nhà nước ngày càng giảm, dư địa để điều tiết phát triển sẽ hạn chế hơn. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước cần phát huy các nguồn lực bên ngoài bằng các công cụ mang tính chất kiến tạo thể chế thuận lợi cho các khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển, nhiều hơn là vận dụng chính sách tài khóa, đầu tư công để can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhà nước nên đóng vai trò với trọng tâm hẹp hơn, chỉ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho người dân, những nơi, lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước không tham gia. Nhà nước ưu tiên đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, nơi các thành phần kinh tế ngoài nhà nước khó tham gia, còn ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cùng tham gia. Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào các công trình ưu tiên quan trọng, thiết yếu và khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém chất lượng.

Trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ xác định sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công tư, giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Gợi mở về cách huy động nguồn lực, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, cần tái cơ cấu danh mục tài sản công để sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa tập trung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia. Phát hành trái phiếu chính phủ cho một số dự án lớn không thể thu hút vốn đầu tư tư nhân. Có cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư các dự án đô thị thông minh, bao gồm cơ cấu lại đô thị cũ. Có cơ chế khuyến khích huy động nguồn lực trong dân, nhất là vàng, ngoại tệ...

Trao đổi với lãnh đạo một số địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, về nguồn vốn, các tỉnh, thành phố cần sử dụng thông minh các nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, xã hội hóa, không thể chỉ trông vào ngân sách. “Nếu có cách làm sẽ có nguồn lực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư