Khuyến khích huy động nguồn lực tư cho ngành y

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, ngành y tế sẽ ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; y tế dự phòng; đào tạo nguồn nhân lực và hệ thống kiểm nghiệm y tế. Còn đối với các bệnh viện có nguồn thu lớn, có khả năng xã hội hóa cao, sẽ khuyến khích huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư.
Tổng nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của ngành y tế là trên 52,8 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tổng nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của ngành y tế là trên 52,8 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Vừa sử dụng ngân sách, vừa huy động nguồn lực tư

Theo ông Nguyễn Thanh Long - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua, Việt Nam mới chú trọng đến công tác khám chữa bệnh, chứ quan tâm nhiều đến y tế dự phòng. Thực tế, Việt Nam mới chỉ có phòng thí nghiệm an toàn sinh học đạt tiêu chuẩn cấp III, trong khi nhiều nước trong khu vực đã có phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn cấp IV. Cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân đều chưa có một phòng thí nghiệm lưu trữ, phân tích, phát triển vacxin nào... Do đó, Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài, kể cả vacxin 5 trong 1. Trong khi đó, xu hướng của thế giới và một trong những định hướng của ngành y tế trong thời gian tới là phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Việc đối phó với dịch bệnh Covid thời gian qua đã cho thấy rất rõ những khiếm khuyết, tồn tại hạn chế trong việc đầu tư phát triển y tế dự phòng. Cho đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ tạm yên tâm về nguồn cung máy thở, khi một số doanh nghiệp, tổ chức trong nước đã sản xuất được như Vingroup, Đại học Văn Lang...

Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì sẽ không đủ, do đó Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, cần phải làm song song, vừa sử dụng vốn ngân sách, vừa huy động nguồn vốn từ xã hội. Có những lĩnh vực khó huy động nguồn lực xã hội hóa, mà chủ yếu dựa vào ngân sách như y tế dự phòng, pháp y tâm thần, đào tạo, các cơ sở y tế, bệnh viện khó khăn, không có nguồn thu (lao, phong, tâm thần)... Trong khi đó, những bệnh viện có nguồn thu lớn, có khả năng xã hội hóa cao có thể khuyến khích huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư.

Hiện trên thế giới có nhiều hình thức hợp tác đầu tư xây dựng bệnh viện. Ví dụ như mô hình đầu tư tư - quản lý công, khu vực tư nhân sẽ xây dựng bệnh viện trên đất của tư nhân với thương hiệu, con người và quản lý của Nhà nước; doanh thu được phân chia theo tỷ lệ thỏa thuận...

Dự kiến tổng nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của ngành y tế là 52.805,6 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương là 24.980,6 tỷ đồng, vốn từ nguồn thu hợp pháp dành cho đầu tư là 7.235 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác là 9.933 tỷ đồng, vốn ODA nước ngoài là 10.657 tỷ đồng.

Tuy nhiên, muốn huy động được vốn đầu tư từ xã hội, theo ông Long, Chính phủ cần mở cơ chế thu hút đầu tư thông qua việc sửa các quy định pháp luật về vay vốn ngân hàng, huy động vốn ngoài ngân sách...

Lấy ngân sách làm vốn mồi để huy động nguồn lực từ tư nhân

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Vụ trưởng Vụ Lao động - Văn hóa - Xã hội thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thực tế cho thấy, 4 bệnh viện đã thực hiện thí điểm tự chủ hoàn toàn (Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, K) với doanh thu lên tới 22.000 - 23.000 tỷ đồng/năm. Đây là điểm sáng cần nhân rộng để dành nguồn lực ngân sách đầu tư cho những lĩnh vực trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, tránh phân tán nguồn lực. Nước ta gần đạt quy mô dân số 100 triệu dân. Nhu cầu dược phẩm và thiết bị y tế tăng lên nên cần thu hút thêm nguồn lực đầu tư.

Đồng thuận với quan điểm định hướng, chiến lược phát triển ngành của Bộ Y tế trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ đồng tình với thứ tự ưu tiên đầu tư của Bộ Y tế. Trong đó, việc tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng là chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đầu tư phát triển y tế dự phòng là phù hợp với xu hướng hiện nay, tránh sự phát triển mất cân đối.

Về dài hạn, Bộ Y tế nên tập trung vào xây dựng chiến lược, quy hoạch những lĩnh vực cốt lõi của Ngành, chỉ giữ lại những bệnh viện đầu ngành, chuyên sâu và tập trung chuyển giao công nghệ, còn lại chuyển giao, phân cấp bớt cho địa phương. Đẩy nhanh chuyển đổi số, dù không tốn nhiều chi phí nhưng lại có thể mạng lại nhiều lợi ích, tiết kiệm và hiệu quả cao. Đặc biệt là chú trọng đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu - sản xuất. “Phải có cơ sở nghiên cứu, sản xuất thì mới có thể tạo ra công nghệ, giá trị gia tăng và làm chủ được khoa học công nghệ, từ đó mới xây dựng được nền kinh tế tự chủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng ủng hộ quan điểm ưu tiên đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực. Hiện lực lượng của ngành y khá đông nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được chất lượng. Mặt khác, vấn đề xây dựng cơ chế chính sách đầu tư y tế như thế nào cũng rất quan trọng trong giai đoạn tới. Nhu cầu đầu tư là rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước không thể đáp ứng đủ, do đó Bộ Y tế cần xây dựng một đề án riêng, quy định cụ thể các mô hình thu hút đầu tư như hợp tác công tư, hợp tác tư - tư, đầu tư tư - quản lý công..., trong đó vốn đầu tư nhà nước được xem là vốn mồi để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân.

Chuyên đề