Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

(BĐT) - Tại Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” vừa diễn ra tại Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn, trong khi Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. 
Đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia và chưa thật sự bền vững, hiệu quả. Ảnh: Tường Lâm
Đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia và chưa thật sự bền vững, hiệu quả. Ảnh: Tường Lâm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt mục tiêu trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Các DN đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ DN. Hiện Việt Nam có 10 nhóm mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Một số mặt hàng như: cá basa, cá ngừ, tôm, cà phê, hạt điều... đã có vị thế khá vững chắc trên thị trường, chiếm ưu thế và đã trở thành thực phẩm rất quen thuộc với người tiêu dùng các nước trên thế giới.

6 tháng đầu năm 2018, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: thủy sản hơn 3,9 tỷ USD; cà phê 2 tỷ USD; rau quả 2 tỷ USD; gạo 1,8 tỷ USD; hạt điều 1,7 tỷ USD… Nông nghiệp hiện là lĩnh vực đứng thứ 11 trong số 19 ngành kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Thành tựu này có sự đóng góp to lớn của các DN, doanh nhân đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và bà con nông dân, những người đang chung sức, nỗ lực không ngừng để tạo dựng nên nhiều thương hiệu nông sản Việt - niềm tự hào của quốc gia trên trường quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, các ý kiến đều nhận định, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia và chưa thật sự bền vững, hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, việc phát triển DN đầu tư vào nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. DN vẫn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, trừ một số nhỏ có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp, bằng 38% năng suất lao động bình quân cả nước. Chỉ có 5% số DN được cấp tiêu chuẩn VietGap và tương đương.

Dù vậy, Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Thủ tướng đề nghị, Chính phủ và cộng đồng DN cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. “Tại hội nghị này, tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu”.

Để đạt mục tiêu, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57/2018/NĐ-CP, đặc biệt là khắc phục tình trạng chỉ chú trọng hỗ trợ đầu vào là chính mà chưa hỗ trợ đầu ra. Thủ tướng cũng lưu ý đặc biệt đến việc đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ảnh 1
Khơi thông nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào một số nhóm giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực từ DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn như: tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN (trong lĩnh vực nông nghiệp nghiên cứu cắt giảm 40 - 50% thủ tục hành chính hiện hành); nhanh chóng có giải pháp tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định; từng bước chủ động được thị trường, xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam…

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ảnh 2
Xây dựng chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn

Bà Thái Hương, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á

Chính phủ cần có chính sách đồng bộ cho một chuỗi giá trị sản phẩm trọn gói từ trang trại đến bàn ăn, ở đó ta tận dụng được công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ sinh học… nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Để làm thương hiệu cho ngành, chúng ta phải xây dựng được các bảng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng được hưởng lợi, khuyến khích sản xuất chân chính, nhất là sản phẩm có ứng dụng công nghệ cao.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ảnh 3
Ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới

Khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, ngành nông nghiệp sẽ cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân. Nông nghiệp của Việt Nam sẽ phải tạo ra "nhiều giá trị hơn với đầu vào ít hơn". Chẳng hạn như, Việt Nam thu hút lượng vốn FDI lớn, nhưng có chưa đến 2% giá trị vốn FDI được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ và không mang lại nhiều giá trị gia tăng. Thực tế, các nhà đầu tư chỉ đơn thuần mua nguyên liệu thô từ nông dân, sau đó sơ chế và xuất khẩu hàng hóa giá trị gia tăng thấp sang thị trường nước ngoài, nơi mà sản phẩm được hoàn thiện và bán với giá cao hơn nhiều.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ảnh 4
Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy đầu tư

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch tập đoàn Massan

Để tăng năng lực cạnh tranh, năng suất và hiệu suất trong ngành nông nghiệp, chúng ta cần có những cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích, thúc đẩy quá trình tích hợp chuỗi giá trị từ nuôi trồng, chế biến, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp cũng như xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Theo đó, chúng ta cần đổi mới, hoàn thiện các hành lang pháp lý nhằm khai mở nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thay vì chỉ dựa vào tài trợ từ ngân hàng cho các hộ kinh doanh cá thể. Cùng với đó, xây dựng chính sách chuyển đổi từ khai thác tận thu tài nguyên biển cận bờ sang mục đích nuôi trồng và phát triển bền vững; đẩy mạnh các cách thức phát triển mới ứng dụng công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ cao… nâng cao năng suất. Tôi tin rằng, Việt Nam ngoài rừng vàng biển bạc, con người cần cù chăm chỉ, phát triển mạnh ngành nông nghiệp là nền tảng, là điều kiện xây dựng đất nước phồn vinh.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề