Khủng hoảng truyền thông: Làm ơn đừng đến!

(BĐT) - Cách đây khoảng chục năm, có lẽ ít ai hình dung được rằng một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể gặp khủng hoảng nghiêm trọng mà nguyên nhân lại không đến từ sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp. Công nghệ truyền thông phát triển nhanh đến độ báo chí và mạng xã hội tham gia rất nhiều vào những thành công và cả thất bại của một doanh nghiệp. Chưa bao giờ báo chí và doanh nghiệp lại có mối quan hệ khăng khít đến vậy. 
Báo chí, trong chừng mực nào đó có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi
Báo chí, trong chừng mực nào đó có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhiều dẫn chứng cho thấy, việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí luôn giúp doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp có thể giải quyết khủng hoảng một cách tối ưu, tối thiểu hóa những ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh nghiệp cũng như cá nhân lãnh đạo.

Còn nhớ, những ngày đầu tháng 5/2016 vừa qua, khi Hồ sơ Panama được công bố, một loạt doanh nhân người Việt đã có tên trong danh sách liên quan đến các hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đây là danh sách cực kỳ nhạy cảm, khi trước đó trên thế giới đã có không ít doanh nhân, chính trị gia gặp rắc rối vì những thông tin bí mật được phanh phui. Thủ tướng Iceland – ông Sigmundur David Gunnlaugsson đã từ chức 1 tháng trước đó khi cá nhân ông này bị nghi ngờ trốn thuế sau khi danh sách Hồ sơ Panama được công bố.

Thông tin nhanh chóng được báo chí rầm rộ đưa tin, khiến công chúng ít nhiều đặt câu hỏi về hoạt động của các cá nhân nói trên, đặc biệt là các doanh nghiệp mà những nhân vật này đang trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, cũng gần như ngay lập tức, ông Nguyễn Duy Hưng – một trong những cá nhân có tên trong Hồ sơ Panama chính thức lên tiếng về vụ việc này trên Facebook cá nhân lẫn báo chí chính thống. Mọi việc trở nên rõ ràng hơn khi ông Hưng cho biết việc có tên trong hồ sơ này không đồng nghĩa với việc trốn thuế hay làm ăn phi pháp. Chính thông tin này, sau đó cũng được khẳng định lại trên báo chí khi phóng viên hỏi ý kiến luật sư và các bên liên quan. Cho đến khi có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, không nên để bất kỳ một doanh nhân hay doanh nghiệp nào bị “chết oan” bởi thông tin chưa rõ ràng và chưa được kiểm định.

Trong lĩnh vực hạ tầng, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) là một trong những doanh nghiệp đứng đầu. Với tư cách một doanh nghiệp niêm yết, CII là một trong những doanh nghiệp cởi mở nhất trong việc công bố thông tin. Không ít lần CII tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ nhà đầu tư. Đáng chú ý, đối tượng đặt câu hỏi với CII không giới hạn là các cổ đông của Công ty. Khi đưa thông tin lên Facebook chính thức, CII đồng thời nhận câu hỏi từ kênh này và lãnh đạo ngay lập tức trả lời. Phóng viên vì vậy không cần trực tiếp tham gia cuộc họp, vẫn có thể đặt câu hỏi và có những câu trả lời thỏa đáng từ CII.

Có một giai đoạn, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII liên tục mua vào và bán ra khối lượng lớn cổ phiếu Công ty. Thông tin này gây bất an đối với cổ đông CII cũng như những nhà đầu tư chiến lược đang quan sát Công ty. Trên các diễn đàn tài chính, người đứng đầu CII chịu nhiều sức ép khi cổ phiếu Công ty giai đoạn nói trên liên tục lao dốc. Ông Lê Quốc Bình đã chính thức “đăng đàn” cam kết không mua bán cổ phiếu CII nữa. Mọi chuyện bắt đầu ổn định dần.

Tuy nhiên, sau một thời gian, Công ty CP Đầu tư Tân Tam Mã liên tục mua vào cổ phiếu CII. Tại một cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, đại diện CII thừa nhận Tân Tam Mã được thành lập với mục đích mua gom cổ phiếu CII cho cán bộ công nhân viên Công ty, với mục đích hưởng cổ tức, đầu tư dài hạn. Vì vậy, thay vì lãnh đạo Công ty đứng ra mua cổ phiếu lẻ tẻ, gây tâm lý bất an, việc mua cổ phiếu CII sẽ do Tân Tam Mã đứng tên.

Hiện tại, sau thời gian “khủng hoảng niềm tin”, cổ phiếu CII đã lấy lại được đà tăng và hiện đang giao dịch tại mức giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây, xung quanh 25.800 đồng/cổ phiếu.

Ém thông tin, doanh nghiệp lãnh đủ

Việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí luôn giúp DN và lãnh đạo DN có thể giải quyết khủng hoảng một cách tối ưu.
Một trong những scandal nổi bật nhất trong năm 2015 là sự kiện liên quan đến Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC). Khác với các doanh nghiệp nói trên, từ lúc cổ phiếu JVC giảm sàn liên tục cho đến khi thông tin ông Lê Văn Hướng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty bị khởi tố), hầu như không có một thông tin chính thống, hợp lý nào được Ban lãnh đạo JVC đưa ra. Chuỗi ngày lao dốc kéo dài của cổ phiếu JVC đã đốt cháy tài khoản của không ít nhà đầu tư từ cá nhân đến tổ chức. Tất nhiên, khủng hoảng của JVC khó có thể khắc phục được qua truyền thông do bản chất vụ việc xuất phát từ việc làm ăn gian dối của lãnh đạo Công ty.

Thị trường chứng khoán có quy định về công bố thông tin tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Các cá nhân, doanh nghiệp đã phải chịu mức phạt tổng cộng hàng tỷ đồng cho những sai phạm về công bố thông tin. Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phạt Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai khi công ty này đã bán ra hơn 14 triệu cổ phiếu công ty con là HAGL Agrico mà không công bố thông tin. Đây là khối lượng cổ phiếu mà HAGL đã bán ra trước khi công ty này bị Ngân hàng ACB bán giải chấp cổ phiếu. Một lần nữa HAGL khiến nhà đầu tư hoài nghi, chỉ vài ngày sau khi ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT kêu gọi cổ đông hãy tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi Công ty hồi phục sau những khó khăn vừa qua.

Cần hơn nữa tiếng nói của báo chí

Không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp với độc giả, báo chí còn thiết thực đóng vai trò bảo vệ người tiêu dùng – đối tượng phục vụ và tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Còn nhớ, khi vướng vào vụ kiện “con ruồi” – Tân Hiệp Phát đã lâm vào khó khăn khó lòng giải quyết khi làn sóng tẩy chay sản phẩm nổ ra ồ ạt. Một loạt vụ việc xuất hiện cặn bẩn trong sản phẩm của doanh nghiệp này cũng được báo chí phanh phui. Tổn thất của Tân Hiệp Phát có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng, theo tiết lộ của đại diện Công ty.

Gần đây nhất, cũng liên quan đến sản phẩm nước uống đóng chai, Công ty TNHH URC đã bị cơ quan chức năng phạt 5,8 tỷ đồng do 2 sản phẩm của Công ty là nước uống C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Theo một chuyên gia truyền thông, điều cá nhân ông ngạc nhiên là phản ứng của cộng đồng đối với thông tin về URC có vẻ vẫn còn khá nhạt nhòa. Trong khi đó, về mức độ độc hại cũng như ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng, thì việc hàm lượng chì vượt ngưỡng nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc các dị vật được phát hiện trong sản phẩm của Tân Hiệp Phát trước kia. Cũng theo chuyên gia này, những vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, cần nhiều hơn nữa tiếng nói của các cơ quan báo chí.

Báo chí, trong chừng mực nào đó, có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất cho nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư