Khủng hoảng năng lượng đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu về dầu thô tăng thêm nửa triệu thùng mỗi ngày, gây ra lạm phát và làm chậm sự phục hồi của kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo báo cáo hàng tháng của IEA công bố ngày 14/10, giá than và khí đốt ở mức kỷ lục cũng như tình trạng mất điện đang khiến ngành điện và các ngành sử dụng nhiều năng lượng chuyển sang sử dụng dầu mỏ để duy trì hoạt động. Giá năng lượng cao hơn cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát, cùng với việc mất điện, có thể dẫn đến hoạt động công nghiệp sụt giảm và sự phục hồi kinh tế chậm lại.

Theo IEA, nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm tới được dự báo sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Cơ quan này đã điều chỉnh các báo nhu cầu dầu thô cho năm 2021 và 2022 lên lần lượt 170.000 thùng/ngày và 210.000 thùng/ngày.

Nhu cầu tăng cao trong quý vừa qua đã dẫn đến việc dự trữ các sản phẩm dầu giảm mạnh nhất trong 8 năm, trong khi mức dự trữ ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015.

Trong khi đó, IEA ước tính rằng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ cung cấp ít hơn 700.000 thùng/ngày so với nhu cầu ước tính đối với dầu thô trong quý IV năm nay, có nghĩa là cầu sẽ vượt cung ít nhất cho đến cuối năm 2021.

Năng lực sản xuất dự phòng của OPEC+, vốn chỉ tập trung ở một nhóm nhỏ các nước Tây Á, dự kiến sẽ giảm nhanh chóng, từ 9 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm nay xuống chỉ còn 4 triệu thùng/ngày trong quý II/2022.

IEA cho rằng, sự suy giảm đó nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường đầu tư để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Sự gia tăng chi tiêu cho chuyển đổi năng lượng sạch sẽ mở ra con đường phía trước, nhưng điều này cần phải diễn ra nhanh chóng nếu không thị trường năng lượng toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế sau đại dịch "không bền vững" và phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Chuyên đề