Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa): Nhiều nhà đầu tư lớn chờ quy hoạch phân khu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nhà đầu tư lớn đang chờ đợi tỉnh Khánh Hoà thực hiện xong nhiệm vụ quy hoạch 19 phân khu trong Khu kinh tế (KKT) Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) để thực hiện các kế hoạch đầu tư.
Hạ tầng giao thông đã được tỉnh Khánh Hòa đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Minh Hạnh
Hạ tầng giao thông đã được tỉnh Khánh Hòa đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Minh Hạnh

Trong danh mục 27 dự án kêu gọi đầu tư vào KKT Vân Phong, có nhiều dự án cùng lúc được các doanh nghiệp lớn quan tâm. Chẳng hạn Dự án Khu du lịch, dịch vụ và đô thị Tuần Lễ - Hòn Ngang tại xã Vạn Thạnh và Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), quy mô 600 - 1.300 ha thu hút sự quan tâm của Tập đoàn Sun Group, Công ty CP FPT, Tập đoàn IPPG, Liên danh Nova - Đất Tâm, Công ty CP Flamingo Holding Group, Tổng công ty Viglacera - CTCP, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Histar...

Dự án Khu đô thị sinh thái Cổ Mã Tu Bông ở huyện Vạn Ninh, quy mô 2.100 ha thu hút 3 nhà đầu tư quan tâm gồm: Sun Group, IPPG và Sovico; Dự án Quần thể nghỉ dưỡng Hồ Na - Mũi Đôi trên địa bàn xã Vạn Thạnh và Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh) có 3 nhà đầu tư quan tâm là Sun Group, FPT và Sovico.

Trong khi đó, Sovico, Phát Đạt, Sam Holding... quan tâm đến Dự án Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa quy mô 550 ha tại phường Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thọ thuộc thị xã Ninh Hòa. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn T&T, Công ty CP Đầu tư Eurowindow... cũng quan tâm đến nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nhà đầu tư khi đầu tư vào KKT Vân Phong phải đạt được tiêu chí của các lĩnh vực đầu tư. Trong đó, đối với lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển, quy mô vốn đầu tư mỗi dự án phải từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Đối với đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính, mỗi dự án phải từ 12.000 tỷ đồng trở lên. Với đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị, mỗi dự án phải có quy mô diện tích đất từ 300 ha hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.

Ngoài ra, mảng công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại KKT Vân Phong yêu cầu vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh thu hút các nhà đầu tư trong nước, Khánh Hòa chủ động tìm kiếm dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, Tỉnh sẽ tập trung chọn lọc các nhà đầu tư có năng lực đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP, EVFTA như: Australia, Canada, New Zealand và các nước thành viên EU.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Khánh Hòa với 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng vốn đăng ký 2,652 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn FDI toàn Tỉnh.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Ban Quản lý KKT Vân Phong phải thực hiện quy hoạch xong 12 phân khu trong năm 2023. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 4 đồ án quy hoạch phân khu khu vực Bắc KKT Vân Phong đã được lập xong và đang trình thẩm định, gồm: Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn (phân khu 1); Khu du lịch núi Khải Lương (phân khu 2); Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn (phân khu 3) và Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông (phân khu 8).

Ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, nguyên nhân chậm là do đồng loạt triển khai các quy hoạch phân khu có diện tích rộng lớn, theo nhiều bước, trong đó có những nội dung theo quy định không thể rút ngắn thời gian (lấy ý kiến của cộng đồng dân cư; lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức đấu thầu, tư vấn; tham vấn ý kiến của Bộ Xây dựng...).

Do đó, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã tham mưu UBND Tỉnh điều chỉnh kế hoạch để tập trung trình phê duyệt 4 quy hoạch phân khu đã lập xong đồ án trong năm 2023. Các phân khu đã phê duyệt nhiệm vụ sẽ trình phê duyệt đồ án vào đầu năm 2024.

Quy hoạch 15 phân khu còn lại dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Trong đó, có 8 phân khu đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, gồm: Khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên - Mũi Đá Son (phân khu 4); Khu đô thị, thương mại, dịch vụ Tuần Lễ - Hòn Ngang (phân khu 5); Khu đô thị, du lịch Ninh Hải - Dốc Lết (phân khu 14); Khu dịch vụ đô thị công nghiệp Tây Ninh An (phân khu 15); Khu dịch vụ đô thị và dân cư Đông Bắc Ninh Hòa (phân khu 16); Khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo (phân khu 17); Khu đô thị dịch vụ trung tâm Ninh Hòa (phân khu 18); Khu chức năng công nghiệp và cảng biển Nam Vân Phong (phân khu 19). Các phân khu này Ban Quản lý KKT Vân Phong đang lập nhiệm vụ khảo sát, lập dự toán đồ án các phân khu để trình xin kinh phí thực hiện.

Đối với Khu du lịch đảo Điệp Sơn (phân khu 6); Khu đô thị Vạn Giã và vùng phụ cận (phân khu 11), Ban Quản lý KKT Vân Phong đã lập xong nhiệm vụ quy hoạch và trình Sở Xây dựng thẩm định. Còn lại 5 quy hoạch phân khu sẽ được triển khai trong năm 2024, gồm: Khu đô thị sinh thái Đại Lãnh (phân khu 7); Khu du lịch sinh thái núi tây Tu Bông (phân khu 9); Khu sinh thái núi Tây Vạn Giã (phân khu 10); Khu đô thị Nam Vạn Giã (phân khu 12); Khu công nghiệp, đô thị dịch vụ Vạn Hưng (phân khu 13).

Chuyên đề