Khu công nghiệp Tân Kiều (Đồng Tháp): Hội tụ nhiều ưu thế vượt trội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với tổng diện tích quy hoạch hơn 148 ha, Khu công nghiệp (KCN) Tân Kiều (nằm trên địa bàn 2 xã Tân Kiều và Mỹ An thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) do Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp làm chủ đầu tư phát triển hạ tầng được xếp vào hạng có quy mô lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hứa hẹn nhiều lợi thế cạnh tranh vượt bậc so với các KCN khác trong vùng.
Khẩn trương san lấp mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều
Khẩn trương san lấp mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều

Gạn đục khơi trong, khai thác tiềm năng

Là vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, giao thông ngày càng thuận lợi, có đường biên giới dài hơn 50 km giáp Campuchia với 4 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà, Đồng Tháp trở thành trung tâm giao thương, xuất nhập khẩu sôi động, là “vùng đất hứa” cho bất động sản công nghiệp.

Đáng chú ý, năm 2018, Đồng Tháp được xếp là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 15 về số dân, xếp thứ 30 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 43 về GRDP bình quân đầu người. Đây là những lợi thế cạnh tranh rất tốt, xét cả về nguồn lực lao động lẫn tiềm năng phát triển kinh tế.

Theo tính toán của Chủ đầu tư, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của KCN Tân Kiều trong giai đoạn vận hành ổn định là khoảng 8.000 - 10.000 lao động, tức tương đương 80 - 100 lao động/ha đất xây dựng nhà máy. Với nguồn lực lao động dồi dào, bài toán về lao động cho các nhà máy, xí nghiệp và các đơn vị đầu tư thứ cấp vào KCN Tân Kiều phần nào được đáp ứng.

Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp cho biết, KCN Tân Kiều có thời gian hoạt động 50 năm, được đầu tư, xây dựng hướng đến phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp thực phẩm; chế biến nông, thủy hải sản; may mặc; điện tử; hương liệu, dược liệu; lâm sản mỹ nghệ; bao bì; thức ăn chăn nuôi. Đây là những ngành nghề vượt trội ở địa phương từ trước đến nay, nên không những người lao động có kinh nghiệm sẵn, mà còn đánh thức và khai thác xứng tầm những tiềm năng, dư địa vốn có của mỗi lĩnh vực.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Tổng giám đốc Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp cho hay, KCN Tân Kiều ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại nhằm sàng lọc và nói không với những dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. KCN Tân Kiều chủ trương không thu hút nhà đầu tư bằng mọi giá để lấp đầy diện tích mà “gạn đục khơi trong” để tránh những hậu quả đáng tiếc. KCN Tân Kiều sẽ góp phần giải quyết nhu cầu việc làm của lao động địa phương.

Ngân sách nhà nước đã chi 476 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều

Ngân sách nhà nước đã chi 476 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều

Sự đồng thuận là nền tảng phát triển

Với tổng vốn đầu tư 1.266 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng gần 709 tỷ đồng và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 382 tỷ đồng, KCN Tân Kiều được xếp vào hạng có quy mô lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Tân Kiều, ngân sách nhà nước đã chi 476 tỷ đồng, trong đó có 90 tỷ đồng từ ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu công nghệ cao, khu, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 386 tỷ đồng ngân sách địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư (Dự án thành phần 1), còn lại 789 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu của Chủ đầu tư phát triển hạ tầng (Dự án thành phần 2). Chính sự đồng thuận và hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là những hộ dân trong khu vực bị giải tỏa để thực hiện Dự án được xem là một lợi thế lớn của KCN Tân Kiều.

Về phía Chủ đầu tư, theo tìm hiểu, ngoài KCN Tân Kiều, Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp còn là chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp (CCN) Tân Lập tại xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành; CCN Thương mại dịch vụ Trường Xuân ở ấp 4, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười; KCN Trần Quốc Toản tại Phường 11, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Những kinh nghiệm của Chủ đầu tư về phát triển hạ tầng KCN là cơ sở để đặt niềm tin vào sự thành công trong thu hút đầu tư của KCN Tân Kiều.

Đến năm 2023, sau khi hoàn thành xây dựng KCN Tân Kiều, Ban Quản lý khu kinh tế Đồng Tháp sẽ bàn giao cho Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp đưa vào vận hành, khai thác và kinh doanh hạ tầng KCN này. Như vậy, tại Đồng Tháp, ngoài các KCN, CCN hiện có, sự ra đời của KCN Tân Kiều với những lợi thế riêng biệt chắc chắn sẽ tạo thêm sức thu hút đầu tư.

Chuyên đề