Khớp nối các quy hoạch, tạo động lực phát triển kinh tế biển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong thời gian hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với 28/63 tỉnh, thành có biển, sự đồng bộ khớp nối giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành và địa phương về phát triển không gian biển sẽ giúp bảo tồn hệ sinh thái biển và tạo động lực phát triển kinh tế từ tài nguyên biển.
Quy hoạch không gian biển hướng đến mục tiêu vào năm 2050, hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển. Ảnh: Lê Tiên
Quy hoạch không gian biển hướng đến mục tiêu vào năm 2050, hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển. Ảnh: Lê Tiên

Từ bảo tồn hiệu quả hệ sinh thái biển…

Quy hoạch không gian biển quốc gia là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia” và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả; góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tư tưởng xuyên suốt Quy hoạch là bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái, đa dạng sinh học, kỳ quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát huy các giá trị văn hóa, xã hội, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển.

Quy hoạch không gian biển hướng đến mục tiêu vào năm 2050, toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sức chống chịu, sức tải môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo và hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển.

Đồng thời, Quy hoạch sẽ cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung và giải pháp chính của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng, quy hoạch quốc gia có liên quan và Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, Quy hoạch đảm bảo việc khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên vùng bờ trong khả năng chống chịu, phục hồi của hệ sinh thái và chịu tải của môi trường để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng xanh, tuần hoàn, hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

... tới hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh

Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành có biển với 125 huyện ven biển, trải dọc theo bờ biển dài hơn 3.260 km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Tại các địa phương có biển này, việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển đã được nhiều địa phương thể hiện trong các quy hoạch phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Tĩnh là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Hà Tĩnh đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 2/2023 đặt mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước với đóng góp GRDP từ kinh tế biển là 25% trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề; một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, hiệu quả và bền vững…

Quy hoạch tỉnh Kiên Giang đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua cũng định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia ở khu vực miền Tây với việc hình thành khu kinh tế biển và khu kinh tế đất liền hướng biển. Theo đó, Kiên Giang sẽ hình thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Bạc Liêu là một tỉnh ven biển thuộc bán đảo Cà Mau có chiều dài bờ biển 56 km. Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua với việc đưa ra một trong các đột phá phát triển địa phương thời gian tới có gắn với biển.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận khẳng định, vùng biển và khu vực ven biển là nơi còn nhiều tiềm năng, lợi thế gắn với các ngành quan trọng: sản xuất năng lượng tái tạo; nuôi trồng, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với chế biến, xuất khẩu.

Tại không ít các phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh, nhiều chuyên gia nhấn mạnh quan điểm, các định hướng, phương án phát triển trong quy hoạch tỉnh phải đảm bảo tính đồng bộ giữa các ngành; gắn kết với các định hướng lớn trong các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng. Do đó, các địa phương cần tiếp tục rà soát, xem xét các vấn đề, định hướng lớn trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch.

Chuyên đề