Không gian ngầm đô thị: Cần quản lý xứng tầm

(BĐT) - Đầu tư xây dựng không gian ngầm đô thị ở TP.HCM không chỉ đòi hỏi lượng vốn lớn, mà công tác quản lý, quy hoạch, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế cần xứng tầm, đồng bộ.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Không ít thách thức

Dự án "Khu phố ngầm Nhà ga trung tâm Bến Thành - Nhà ga Nhà hát Thành phố" do một công ty của Nhật Bản mới đề xuất với lãnh đạo UBND TP.HCM đang thu hút sự chú ý của người dân.

Theo tính toán, Dự án có quy mô khoảng 45.500 m2 với 4 tầng ngầm. Trong đó khu vực công (phố đi bộ ngầm) là hơn 21.600 m², khu vực thương mại (cửa hàng mua sắm, ẩm thực, vui chơi, giải trí) là 16.850 m², còn lại là các công trình phụ trợ. Dự án có tổng vốn dự kiến gần 8.400 tỷ đồng, trong đó vốn ODA khoảng 5.000 tỷ đồng, còn lại là từ nhà đầu tư (vốn PPP + FDI).

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (IUS) thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, khi 6 tuyến metro ở TP.HCM hoàn thành, mô hình phát triển không gian TP.HCM không chỉ là “đa trung tâm", mà còn kết hợp với các “chuỗi điểm đô thị” theo các ga metro. Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, các công trình ngầm đường bộ tại các nút giao thông hiện nay nên được kết hợp với không gian trưng bày, văn hóa hay các siêu thị bán lẻ dưới lòng đất.

Tuy vậy, giới chuyên gia lo ngại, xây dựng, sử dụng công trình không gian ngầm tuy có nhiều lợi thế nhưng cũng không ít thách thức. PGS. TS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, lưu ý, những dự án không gian ngầm có vốn đầu tư ban đầu rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, độ rủi ro cao. Trong khi đó, quá trình xây dựng thường bị chậm tiến độ, tăng chi phí đầu tư so với dự kiến ban đầu - đơn cử như dự án tàu điện ngầm metro. Bên cạnh đó, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí cho các dự án và làm chậm tiến độ thi công. 

Quản lý cần xứng tầm

Phân tích của giới chuyên gia cho thấy, mọi công trình không gian ngầm đô thị đều phải đối mặt với những thách thức khách quan về khí hậu và độ vững, yếu của tầng địa chất. Thậm chí, các vấn đề như thông hơi, chống ngập, thoát nước, chiếu sáng, cấp nước, khí độc... cũng là những nỗi lo lắng.

Tác động tự nhiên trong quá trình xây dựng và những sự cố có thể xảy ra cũng là thách thức không nhỏ. Bằng chứng là ở TP.HCM từng quy hoạch hơn 10 bãi đậu xe ngầm ở quận 1 trong vòng 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có một dự án nào được xây dựng.

Nhiều vị trí từng được chọn để quy hoạch bãi đậu xe ngầm đã bị TP.HCM huỷ bỏ, như dự án ở Công trường Lam Sơn, dự án ở đường Nguyễn Huệ. Và hiện nay, có 5 dự án bãi đậu xe ngầm ở trung tâm Thành phố được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng cũng đang lâm vào cảnh “chưa triển khai”.

Theo giới chuyên gia, việc thiếu một hành lang pháp lý về công tác đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị cũng khiến các cơ quan quản lý và nhà đầu tư lúng túng. Để tăng vai trò của cơ quan quản lý trong việc xây dựng và quản lý kết nối không gian ngầm trên địa bàn TP.HCM một cách hiệu quả, PGS. TS. Lưu Đức Hải đề xuất, trước hết, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế công trình ngầm cần phải được bổ sung, ban hành kịp thời, đồng bộ. Các quy định và hướng dẫn thực hiện về quản lý chất lượng công trình cần được ban hành, nhất là công tác khảo sát, thiết kế, thi công, kết nối không gian ngầm.

Chuyên đề