Không được tăng phí theo hợp đồng BOT: Nhà đầu tư chờ tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Rủi ro từ những dự án BOT đang vận hành, trong đó nổi cộm là vấn đề không được thực hiện lộ trình điều chỉnh giá, phí theo hợp đồng, là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư, tổ chức tín dụng lo ngại tham gia vào các dự án BOT mới trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ. Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi có sự tháo gỡ về vấn đề này.
Hợp đồng dự án PPP thường quy định 3 năm điều chỉnh giá 1 lần, nhưng từ năm 2016 đến nay đa phần các dự án đã vận hành không được điều chỉnh giá theo hợp đồng đã ký. Ảnh: Lê Tiên
Hợp đồng dự án PPP thường quy định 3 năm điều chỉnh giá 1 lần, nhưng từ năm 2016 đến nay đa phần các dự án đã vận hành không được điều chỉnh giá theo hợp đồng đã ký. Ảnh: Lê Tiên

Chưa tuân thủ quy định tại hợp đồng

Theo ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, một trong những thiệt thòi rất lớn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án như Đèo Cả nói riêng, nhà đầu tư BOT nói chung, là việc không được tăng giá, phí theo đúng lộ trình hợp đồng dự án PPP. “Biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ đã áp dụng từ năm 2013 đến nay, nhưng khoảng thời gian này, nhiều nguyên vật liệu đã đội giá lên rất nhiều, chỉ số CPI theo tính toán của chúng tôi tăng khoảng 27%. Dù hợp đồng dự án PPP thường quy định 3 năm điều chỉnh giá 1 lần, nhưng từ năm 2016 đến nay đa phần các dự án đã đưa vào vận hành khai thác không được điều chỉnh giá theo hợp đồng dự án đã ký, dẫn đến mất cân đối phương án tài chính”, ông Dũng nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, các văn bản pháp luật hiện hành chưa có điều khoản quy định rõ trách nhiệm và phương án xử lý trong trường hợp nhà đầu tư không được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng dự án PPP. Gần đây nhất, 3 dự án PPP cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm), cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) là Bộ Giao thông vận tải khi thương thảo hợp đồng với nhà đầu tư không có cơ sở để thực hiện việc đàm phán trách nhiệm của CQNNCTQ đối với trường hợp chậm tăng giá vé, chậm bố trí ngân sách nhà nước (NSNN) tham gia thực hiện dự án…

Thực tiễn không chỉ Đèo Cả, nhiều nhà đầu tư khác cũng gặp khó khăn vì dự án BOT không được tăng giá, phí theo lộ trình tại hợp đồng. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, cho biết, trong tổng số 54 dự án BOT đang tổ chức thu phí hoàn vốn, có 41/54 dự án có số thu thấp hơn dự tính. Việc dự án sụt giảm doanh thu có một phần nguyên nhân từ việc không cho tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT…

Chờ đợi tháo gỡ kịp thời

Theo một chuyên gia về PPP, Luật PPP quy định giá, phí sản phẩm, dịch vụ công và điều kiện, thủ tục, điều chỉnh được quy định tại hợp đồng dự án PPP theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP, người sử dụng và Nhà nước, tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thu hồi vốn và có lợi nhuận. Phương án giá, khung giá sản phẩm, dịch vụ công theo thời hạn hợp đồng dự án PPP phải xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá. Việc thỏa thuận, điều chỉnh giá, phí sản phẩm, dịch vụ công cho từng thời kỳ trong hợp đồng dự án PPP phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá, phí. Đồng thời, khoản 3 Điều 99 Luật PPP đã sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Giá theo hướng: “kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình giá giá thay đổi, riêng giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được điều chỉnh theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án”. Luật PPP cũng quy định điều kiện về công khai thông tin khi điều chỉnh giá, phí dịch vụ công.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết, vẫn còn vướng mắc ở một số quy định liên quan. Theo Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Luật Giá quy định việc điều chỉnh giá không chỉ căn cứ vào hợp đồng với nhà đầu tư mà còn phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, trong khi hợp đồng dự án PPP thường quy định rõ lộ trình tăng giá ở mức 18% sau mỗi 3 năm, thì khái niệm “phù hợp với chủ trương, chính sách” còn định tính, rất khó xác định. Hiện Luật Giá đang được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung, VCCI đề nghị giá, phí sử dụng dịch vụ đường bộ đưa ra khỏi diện Nhà nước định giá tối đa, giá sẽ được tính theo hợp đồng, và khi xác định giá cần công khai việc thu thập các thông tin đầu vào và tính toán giá. Đối với thủ tục điều chỉnh giá, VCCI khuyến nghị theo hướng căn cứ theo lộ trình tại hợp đồng, nhà đầu tư gửi thông báo trước 30 ngày cho CQNNCTQ. Nếu CQNNCTQ không phản đối thì nhà đầu tư tự tăng giá theo hợp đồng, nếu phản đối thì cần nêu rõ phương án bù cho nhà đầu tư trong quyết định phản đối.

Từ góc độ nhà đầu tư, ông Dũng kiến nghị trước mắt sửa đổi Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Cụ thể là sửa đổi Thông tư để điều chỉnh mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ sao cho đảm bảo bù đắp chi phí vận hành, bảo trì và hoàn vốn cho dự án. Về lâu dài, ông Dũng cũng kiến nghị tiến tới bỏ quy định mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ, thực hiện nguyên tắc định giá theo Luật Giá và phù hợp với từng thời kỳ của hợp đồng dự án.

Bên cạnh đó, đại diện Đèo Cả đề nghị bổ sung điều khoản cụ thể về trách nhiệm của CQNNCTQ trong trường hợp giá, phí dịch vụ công không được điều chỉnh theo thỏa thuận trong hợp đồng dự án, theo hướng CQNNCTQ có trách nhiệm bố trí vốn ngân sách để bù đắp phần thiếu hụt doanh thu do không được điều chỉnh giá, phí dịch vụ công, hoặc điều chỉnh phương án tài chính của dự án, đồng thời CQNNCTQ có trách nhiệm làm việc với bên cho vay để điều chỉnh lịch trả nợ.

Chuyên đề