Không để lãng phí nguồn lực đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không để lãng phí, sử dụng hiệu quả hơn những nguồn lực hiện hữu, nhất là vốn công, tài sản công, cũng chính là cách để có thể chủ động để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế. Đó là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội khi đề xuất các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là các giải pháp đột phá thu hút đầu tư PPP vào phát triển hạ tầng. Ảnh: Nhã Chi
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là các giải pháp đột phá thu hút đầu tư PPP vào phát triển hạ tầng. Ảnh: Nhã Chi

Vẫn còn lãng phí vốn công, tài sản công

Theo đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai), một vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục là chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, việc chậm thực hiện dự án sẽ làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Tính trung bình, nếu chậm trễ 2 đến 3 năm sẽ làm tăng chi phí đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính. Như Dự án Đường dây 500 KV Vân Phong - Vĩnh Tân, nếu chậm tiến độ, mỗi ngày phải bồi thường 1 triệu USD. Nếu chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) thì dẫn ra chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) của Việt Nam dù kéo xuống được một chút là 6,1 trong giai đoạn 2016 - 2019, nhưng vẫn khá cao, cho thấy hiệu suất của nền kinh tế, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư tương đối thấp. Đại biểu nêu đối sánh trong cùng bối cảnh và cùng một trình độ phát triển kinh tế - xã hội thì Nhật Bản những năm 70 và Hàn Quốc, Đài Loan những năm 80, chỉ số ICOR chỉ dao động vào khoảng 2,5 đến 3, chỉ bằng nửa chúng ta hiện nay, hay so với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia thì ICOR của họ hiện nay cũng ở trong khoảng là 3 đến 4. Theo ông Hùng, nếu vẫn để những dự án kéo dài và đội vốn lớn như là đường sắt Cát Linh - Hà Đông hay Bến Lức - Long Thành thì rất khó để kéo chỉ số ICOR xuống.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nguyên nhân làm cho ICOR vẫn ở mức cao là phân bổ đầu tư thiếu điểm rơi đối với những ngành, vùng động lực; cơ cấu vốn đầu tư không phù hợp, đầu tư công và đầu tư ngân sách nhà nước còn cao; quản lý đầu tư vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chỉ ra một nguồn lực đang còn bỏ ngỏ chưa được khơi dậy và phát huy hiệu quả là việc quản lý và sử dụng tài sản công. Đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng là nguồn lực lớn nhưng số thu còn rất hạn chế. Tình trạng quy hoạch treo vẫn còn tồn tại, phát sinh nhiều tiêu cực, gây bức xúc dư luận xã hội, làm kìm hãm sự phát triển đồng bộ của đất nước.

Nhanh chóng tháo rào cản, sử dụng hiệu quả nguồn lực

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ cần sớm có chế định đủ mạnh, quản lý chặt chẽ và có biện pháp sử dụng hiệu quả tài sản công. Đồng thời, quan tâm giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là các giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào phát triển hạ tầng.

Đại biểu Bùi Xuân Thống kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, của cá nhân trong quản lý và thực hiện dự án. Rút gọn các quy trình thu hồi, giải phóng mặt bằng và thủ tục trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Đại biểu Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội xem xét việc đổi mới quyết định các kế hoạch như là kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc có cơ chế chỉ đạo, hướng dẫn dự kiến phân bổ nguồn lực ngay từ cuối nhiệm kỳ trước của Quốc hội để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện ngay từ đầu năm của nhiệm kỳ mới. Hiện nay, khi chờ thông qua các kế hoạch, nghị quyết cho nhiệm kỳ mới sẽ mất ít nhất là 6 đến 8 tháng, kéo theo việc triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch bị chậm. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tăng cường huy động, tập trung các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư các dự án, công trình trọng điểm có tác động lan tỏa như đường cao tốc, dự án giao thông quan trọng, huyết mạch có tính chất liên vùng, liên tỉnh…

Đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) đề xuất Quốc hội đồng ý và ghi vào nghị quyết cho các tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển, với điều kiện cam kết bảo đảm nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch và cải cách tiền lương theo lộ trình. Theo ông Lê Văn Dũng, hiện nay nhiều tỉnh sau khi cân đối đủ nguồn cải cách tiền lương vẫn còn dư khá lớn ngân sách nhưng không được chi cho đầu tư phát triển, gây lãng phí nguồn lực.

Chuyên đề