Thống kê của CIEM cho thấy, tương ứng với 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có khoảng 3.407 điều kiện kinh doanh cụ thể. Ảnh: Lê Tiên |
“Đầy rẫy” chi phí bất hợp lý
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, hiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn cho DN. Khung khổ luật pháp được sửa đổi, bổ sung đồng bộ hơn, thủ tục hành chính được đơn giản hóa và thời gian thực thi đã có nhiều tiến bộ, giúp DN tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn và cộng đồng DN vẫn phải chịu đựng gánh nặng về chi phí có nguồn gốc từ thực thi các quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước.
Theo TS. Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí chính thức (chi phí mà DN phải trả theo quy định) vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý như: tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao, tiền lương tối thiểu tăng nhanh, các loại thuế suất còn cao... Trong khi đó, chi phí không chính thức còn nhức nhối hơn, làm mất lòng tin của DN vào môi trường kinh doanh.
“Chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi quy định pháp luật, chính sách và thủ tục hành chính. Trên thực tế, chi phí không chính thức rất khó xác định, khó tiên lượng và không thể định lượng. Hệ lụy là không chỉ mất chi phí bằng tiền, mà nguy hại hơn là làm mất thời gian, có thể dẫn đến mất cơ hội kinh doanh của DN”, ông Vinh cho biết.
Báo cáo nghiên cứu giải pháp cắt giảm chi phí cho DN do Bộ KH&ĐT đang thực hiện chỉ rõ, hiện DN còn phải hứng chịu gần 20 loại chi phí bất hợp lý như chi phí điều kiện kinh doanh; chi phí về phê duyệt đầu tư và địa điểm đầu tư; chi phí xin cấp giấy phép quy hoạch và giấy phép xây dựng; chi phí vay vốn…
Về điều kiện kinh doanh, thống kê của CIEM cho thấy, tương ứng với 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có khoảng 3.407 điều kiện kinh doanh cụ thể (giấy phép con). Giấy phép con “đầy rẫy” ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh và là rào cản lớn đối với DN. Nhiều DN cho biết, họ mất rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục, nhất là thủ tục xin chủ trương đầu tư tại các dự án có sử dụng đất.
Bên cạnh đó, DN cho rằng, việc thực hiện thủ tục nộp bảo hiểm xã hội mất rất nhiều thời gian. Tương tự, thực hiện thủ tục nộp thuế cũng mất rất nhiều thời gian do các quy định về thuế thay đổi nhiều, phần mềm khai thuế không ổn định nên mất nhiều thời gian tìm hiểu sử dụng. Mỗi lần cập nhật phần mềm thuế DN mất 5 triệu đồng. Chưa kể, DN phải trả các khoản không chính thức cho cán bộ thuế đến kiểm tra, thanh tra, ngay cả khi không vi phạm quy định về thuế…
Thành lập cơ quan chuyên trách về cải cách thể chế
Theo các chuyên gia kinh tế, có rất nhiều nguyên nhân gây nên những chi phí bất hợp lý của DN. Trong đó, theo ông Đặng Quang Vinh, nguyên nhân nổi cộm nhất là từ thể chế. Ông Vinh cho rằng, hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nhiều phức tạp và chưa đồng bộ, gắn với đó là thủ tục hành chính cần phải thực hiện rất lớn. Tuy nhiên, chất lượng các văn bản này còn hạn chế, khiến người thực thi nhiều khi không thống nhất được nội hàm của các quy định. Do đó, có thể dẫn đến sự tùy tiện trong tổ chức thực hiện từ các cơ quan nhà nước và gây khó khăn cho DN. Một nguyên nhân khác cũng được ông Vinh chỉ ra là hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật kinh doanh ở nhiều nơi còn thấp.
Từ thực trạng đó, Nhóm nghiên cứu của CIEM kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh nghiên cứu, cải cách, nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, pháp luật kinh doanh để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, theo hướng đơn giản hóa tối đa các quy định về gia nhập thị trường, điều kiện kinh doanh để cắt giảm chi phí cho DN. Đồng thời, cần bảo đảm tính thống nhất, nhất quán giữa các quy định nhằm loại bỏ sự chồng chéo trong quản lý nhà nước. Để làm được điều này, Chính phủ cần thành lập một Ủy ban quốc gia về cải cách thể chế do Thủ tướng đứng đầu.
Đại diện CIEM cho biết, mô hình này ở nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Anh, Mỹ… thực hiện rất thành công. Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy việc thực hiện cắt giảm chi phí cho DN mà giao cho các bộ, ngành rất khó thực hiện bởi nhiều lý do.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc giao cho các bộ, ngành tự rà soát sẽ không hoàn toàn khách quan và không hiệu quả. Cùng với việc các bộ ngành tự rà soát, cần một cơ quan tham mưu độc lập có thể đưa bài toán quản lý so sánh với những trở ngại kinh doanh đối với DN để đề xuất phương án phù hợp nhất.
Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng kiến nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương hành chính công vụ bằng một cơ chế tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của DN một cách hiệu quả. Đồng thời, thiết lập cơ chế giám sát độc lập về trách nhiệm thi hành pháp luật của các bộ, ngành và địa phương để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao tính ổn định và dễ tiên đoán của hệ thống pháp luật, qua đó giảm rủi ro và chi phí kinh doanh cho DN.