Không để có tiền mà không tiêu được

(BĐT) - Trong điều kiện nguồn lực đầu tư ngày càng hạn hẹp, thì vẫn còn nghịch cảnh “có tiền mà không tiêu được” đối với nguồn vốn ODA. Hiện số vốn đã cam kết chưa giải ngân được rất lớn, việc đẩy nhanh giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này là rất cần thiết để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Giải ngân chậm vì nhiều nguyên nhân

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến hết tháng 6/2017, có 810 chương trình, dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017 - 2020 là 17,485 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD.

Số liệu cập nhật về tình hình giải ngân vốn đầu tư công được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&ĐT đến thời điểm 16 giờ ngày 18/7/2018 cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài ở các bộ, ngành, địa phương khá chênh lệch. Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân gần 39% kế hoạch vốn được giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 30,2% kế hoạch; Bộ NN&PTNT đạt 30,11% kế hoạch; Thanh Hóa đạt 21,05%; Nghệ An đạt 21,75%; Nam Định đạt 21,2%; Điện Biên đạt 6,27%; Bắc Ninh, Vĩnh Phúc 0%…

Tỷ lệ giải ngân vốn ODA nửa đầu năm 2018 còn chậm, theo một số địa phương là do nhiều nguyên nhân. Theo bà Đào Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại thuộc Sở KH&ĐT Quảng Ninh, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Tỉnh đến thời điểm này khoảng 30 - 40% kế hoạch, khối lượng thực hiện đạt khoảng 50%. Bà Huyền cho rằng, Tỉnh có thể giải ngân với tỷ lệ cao hơn, nhưng lại vướng một số thủ tục, quy định dẫn đến giải ngân chưa được như mong muốn. Đơn cử như quy định liên quan đến phê duyệt kế hoạch vốn, giải ngân phần vốn cho vay lại, ký thỏa thuận cho vay lại… dẫn đến các dự án đã được giao kế hoạch vốn phần cấp phát nhưng chưa đủ điều kiện giải ngân nguồn vốn cho vay lại thì cũng không được giải ngân.

Còn ông Nguyễn Văn Nhựt, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Khánh Hòa cho biết, các tháng đầu năm chủ yếu mới thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế dự toán, đấu thầu, chưa triển khai thi công nên tỷ lệ giải ngân còn thấp, tình hình này sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm khi các gói thầu đi vào thi công.

Một số địa phương khác giải ngân chậm do cơ quan chủ quản chậm giao kế hoạch vốn, vướng mắc giải phóng mặt bằng… Đặc biệt, nhiều địa phương phản ánh việc thủ tục điều chuyển vốn giữa dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh trong cùng cơ quan chủ quản còn phức tạp, mất nhiều thời gian, dẫn đến nghịch cảnh “nơi ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”. Hay từ năm 2016, việc giải ngân phải theo kế hoạch, dự toán được giao, thay vì theo tiến độ như trước cũng tác động rất lớn đến tiến độ giải ngân.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cũng đặt vấn đề giải ngân vốn ODA và mối liên quan đến bội chi ngân sách, dẫn đến chưa đẩy nhanh giải ngân vốn ODA được. 

Đẩy nhanh giải ngân để không lãng phí nguồn lực

Để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, bà Đào Thanh Huyền khuyến nghị, cần phân cấp thẩm quyền điều chỉnh vốn giữa các dự án trong cùng một cơ quan chủ quản; cho phép giải ngân theo tiến độ; đẩy nhanh công tác thẩm định và ký thỏa thuận cho vay lại với các địa phương.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, việc sửa đổi Luật Đầu tư công cần xử lý các khác biệt trong quá trình điều chỉnh dự án do khác biệt nguồn vốn bằng cách đảm bảo rằng các điều khoản trong Luật Đầu tư công nhất quán hơn với nhau và với văn bản pháp quy khác, ví dụ với quy định về dự án có vốn ODA có quy định riêng về điều chỉnh dự án. 

Bộ KH&ĐT cũng nhận thấy, trong thực tế triển khai kế hoạch hàng năm, các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu điều chuyển kế hoạch giữa các dự án, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong nội bộ của các cơ quan chủ quản khá lớn, đặc biệt là vào cuối năm ngân sách. Khi muốn điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án giải ngân tốt, đặc biệt là dự án ODA, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc này giảm tính chủ động của các bộ, ngành và địa phương, tăng thủ tục hành chính.

Trong định hướng sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ KH&ĐT dự kiến sửa đổi theo hướng tiếp tục phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, để tạo chủ động cho các bộ, ngành và địa phương trong kế hoạch vốn được giao, giảm thời gian và thủ tục hành chính. Cấp trung ương sẽ thực hiện công tác hậu kiểm sau khi đã điều chỉnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư