Không để các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá nguyên vật liệu tăng đột biến khiến nhà thầu tại các dự án giao thông có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống. Song, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Chính phủ một mặt sẽ có biện pháp hỗ trợ, mặt khác có chế tài nghiêm khắc với nhà thầu nếu để chậm tiến độ dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Biến động lớn về giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng trong thời gian qua gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân của nhiều dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: Lê Tiên
Biến động lớn về giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng trong thời gian qua gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân của nhiều dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: Lê Tiên

Trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 9/6 về lĩnh vực giao thông, nghị trường Quốc hội nóng lên với vấn đề biến động lớn về giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng trong thời gian qua gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân của nhiều dự án giao thông trọng điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xác nhận có việc nhà thầu chần chừ thi công trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng. Đơn cử như Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, khi giá cát ở Đồng bằng sông Cửu Long lên cao, có tình trạng nhà thầu thi công chậm lại. Bộ GTVT đã xử lý bằng cách xây dựng một kế hoạch cụ thể với nhà thầu, nếu không bảo đảm tiến độ sẽ bị chấm dứt hợp đồng, tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng và cấm tham gia các gói thầu, dự án của ngành giao thông.

Một số dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Bình Thuận vừa qua đã cắt khối lượng khoảng 16 km và kèm các chế tài để tất cả nhà thầu đã ký hợp đồng phải thực hiện nghiêm. Sau khi chấn chỉnh, tiến độ các dự án này tới nay tương đối bảo đảm. “Đây là những dự án trọng điểm quốc gia đã được bố trí ngân sách để thực hiện và trong quá trình thực hiện hợp đồng nhận được các biện pháp hỗ trợ cụ thể, không có lý do gì nhà thầu lại để chậm tiến độ được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các ban quản lý dự án ngành giao thông thực hiện nghiêm túc, nắm được tiến độ triển khai, khó khăn của nhà thầu, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh. Để giải quyết trước mắt vấn đề tăng giá nguyên vật liệu ảnh hưởng tới công trình, dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương mỗi tháng thông báo giá một lần để cập nhật tình hình biến động giá nguyên vật liệu.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi, việc mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án liệu có tạo thêm áp lực, khó khăn cho doanh nghiệp, nhà thầu, làm chậm tiến độ dự án.

Trước băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc mời thanh tra, kiểm toán, công an không ảnh hưởng gì tới nhà thầu. Các cơ quan này vào cuộc sẽ giám sát từ khâu lập dự án, thiết kế, tổ chức đấu thầu và triển khai thực hiện của nhà thầu. Các cơ quan này chỉ làm việc với Bộ GTVT, còn Bộ GTVT thì có trách nhiệm điều hành nhà thầu. Việc tham gia của các bộ, ngành sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch và giúp cho Bộ GTVT, nhà thầu và địa phương thực hiện chức năng nhiệm vụ tốt hơn.

Song, với vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, nghiên cứu nếu trong thực tiễn có ảnh hưởng đến các nhà thầu thì sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xử lý một cách triệt để.

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ đang tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là đường cao tốc với tổng chiều dài dự kiến thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 1.932 km, gấp 4 lần giai đoạn 2015 - 2020 (487 km), tổng nguồn vốn đầu tư ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc cũng gấp gần 4 lần.

Xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, song Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực, đầu tư dứt điểm và không dàn trải. Nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đã được thông qua. Ví dụ như tuyến cao tốc phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 từ khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, triển khai vào cuối năm nay, thời gian chỉ có 1 năm, trong khi trước đó mất đến 3 năm. Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết cho phép chỉ định thầu các gói thầu từ khảo sát thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng và xây lắp. Đồng thời cho phép rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ, phân cấp cho các địa phương trực tiếp triển khai giải phóng mặt bằng.

Tới đây, nếu nhà thầu để chậm tiến độ là sẽ thay ngay, các ban quản lý dự án cũng phải cùng tháo gỡ khó khăn. Việc thực hiện các nhiệm vụ trên là không dễ dàng, Chính phủ sẽ quyết tâm để thực hiện bằng được mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc tới năm 2025, 5.000 km tới năm 2030.

Chuyên đề