Không để bên mời thầu tùy tiện hủy thầu

(BĐT) - Mặc dù pháp luật về đấu thầu chỉ quy định 4 trường hợp được hủy thầu nhưng thực tế cho thấy còn vô vàn lý do hủy thầu khác nữa. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân hủy thầu không xuất phát từ thực tiễn khách quan, mà phần lớn đến từ sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của bên mời thầu (BMT). 
Theo quy định tại Điều 17 Luật Đấu thầu, một trong những trường hợp hủy thầu là tất cả HSDT không đáp ứng được yêu cầu của HSMT. Ảnh: Tiên Giang
Theo quy định tại Điều 17 Luật Đấu thầu, một trong những trường hợp hủy thầu là tất cả HSDT không đáp ứng được yêu cầu của HSMT. Ảnh: Tiên Giang

Chuyên gia đấu thầu cho rằng, cần có đánh giá cụ thể về quyết định hủy thầu của BMT, nhà thầu cần am hiểu và nắm chắc pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng để có được cơ hội trúng thầu.

Thiếu trách nhiệm trong đăng tải thông tin

Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, thời gian gần đây có rất nhiều gói thầu bị hủy thầu. Lý do được các BMT đưa ra khá đa dạng, trong đó có những lý do vô cùng khôi hài.

Khoan bàn đến những nguyên nhân sâu xa trong các quyết định hủy thầu, mà chỉ nhìn vào lý do được đưa ra để hủy thầu đã thấy sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu thận trọng và thiếu trách nhiệm của các BMT.

Đơn cử, ngày 22/2/2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo hủy mời thầu Gói thầu 06.1/XL/DDCN Xây dựng công trình Trạm Y tế xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên. BMT này cho biết nguyên nhân hủy thầu là “do có sự nhầm lẫn trong quá trình đăng tải thông báo mời thầu giữa các gói thầu khác đối với Gói thầu 06.1/XL/DDCN”.

Ngày 12/2/2019, Công ty CP Phát triển kiến trúc Bản Việt (BMT) đã thông báo hủy mời thầu Gói thầu 01 Toàn bộ phần xây lắp và chi phí hạng mục chung Công trình Xây dựng đường giao thông nông thôn các xóm 9, 10, 11, 12 xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc. Lý do được BMT đưa ra là do “đăng tải sai ngày mở thầu”.

Tại Gói thầu số 2 Thi công xây dựng công trình; cung cấp, lắp đặt thiết bị và bảo hiểm xây dựng công trình thuộc Hệ thống Cấp nước sạch cho xã Nga Trường, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa đã hủy thầu chỉ để “đính chính lại tên gói thầu” đã đăng tải trước đó.

Một số gói thầu khác bị BMT hủy thầu với các lý do: sai tên dự án, nhập sai thời gian thực hiện hợp đồng, điều chỉnh nguồn vốn thực hiện dự án, sai số học trong công tác nhập số liệu… 

Nhà thầu có quyền kiến nghị về quyết định hủy thầu

Theo quy định tại Điều 17 của Luật Đấu thầu, có 4 trường hợp hủy thầu, bao gồm: tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC); thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong HSMT, HSYC; HSMT, HSYC không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Khi BMT quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 17 của Luật Đấu thầu (trường hợp thứ 3 và thứ 4 nêu trên) thì BMT phải có trách nhiệm đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Một chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc hủy thầu là quyết định của BMT và BMT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Trong từng trường hợp hủy thầu, nếu nhà thầu và các bên liên quan có kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, cơ quan thanh tra, kiểm tra cần phải làm rõ căn cứ mà BMT đưa ra quyết định hủy thầu có đúng quy định của pháp luật hay không; tránh tình trạng BMT tùy tiện hủy thầu.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu bày tỏ quan điểm, việc hủy thầu trước hết phải căn cứ theo quy định của pháp luật và phải được đánh giá, xem xét có khách quan, xác đáng hay không. Nếu việc hủy thầu là khách quan, đúng quy định thì BMT khi đó phải có trách nhiệm đền bù một số chi phí phát sinh trong quá trình tham gia thầu cho các bên liên quan.

Trong trường hợp hủy thầu không xác đáng, không đúng quy định của pháp luật, thậm chí cố tình hủy thầu thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, nếu việc hủy thầu không đúng, làm chậm tiến độ của gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước thì còn phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự và các pháp luật khác để xem xét, xử lý.

“Khi nhận thấy nguyên nhân hủy thầu không thỏa đáng, làm mất cơ hội của nhà thầu thì nhà thầu có quyền kiến nghị với BMT về quyết định hủy thầu. Nếu BMT không chấp thuận thì theo cơ chế giải quyết kiến nghị, nhà thầu có thể kiến nghị đến cấp cao hơn của BMT. Nhà thầu phải nắm chắc luật để lên tiếng, kiến nghị theo đúng các quy trình, bảo vệ quyền lợi của mình” – ông Lê Văn Tăng nhấn mạnh.

Chuyên đề