Không có trạm thu phí không dừng xe thì thôi thu phí

Việc lắp đặt hệ thống trạm thu phí không dừng xe (ETC) tại các trạm thu phí là bắt buộc đối với tất cả các nhà đầu tư BOT.
Thẻ E-tag (phần trên) được dán trên kính trước của xe để giao tiếp, tính phí tự động với trạm thu phí theo công nghệ không dừng - Ảnh: T.PHÙNG
Thẻ E-tag (phần trên) được dán trên kính trước của xe để giao tiếp, tính phí tự động với trạm thu phí theo công nghệ không dừng - Ảnh: T.PHÙNG

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định như vậy tại cuộc họp ngày 2-3 với các nhà đầu tư dự án BOT trên quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL 14) về việc triển khai các trạm thu phí không dừng xe (ETC) trên hai tuyến đường này trước 30-6.

Ông Trường cho biết trên các tuyến đường do Bộ GTVT quản lý có 42 trạm đang thu phí trong số 72 trạm thu phí (QL1 và QL 14 có 37 trạm).

Tuy nhiên, hiện nay mới có 3 trạm thí điểm làn thu phí không dừng xe tại Nghệ An, Quảng Bình và QL 14.

Tại các tỉnh phía Nam, Vietinbank cũng triển khai các trạm thu phí không dừng theo công nghệ DSRC sử dụng OBU nhưng chưa chỉ có một số cửa thu phí sử dụng công nghệ không dừng và kết hợp thu không dừng lẫn 1 dừng.

Do các trạm thu phí vẫn sử dụng công nghệ cũ, phải dừng xe trả tiền nên vẫn xảy ra ùn tắc vào dịp lễ tết khi mỗi xe mất từ 30 giây đến 1 phút để trả tiền phí.

“Nguyên nhân là số cửa thu phí không đáp ứng đủ mật độ xe và công nghệ thu phí vẫn lạc hậu. Chúng ta không thể làm ngơ khi ùn tắc ở trạm thu phí.

Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép triển khai các trạm thu phí không dừng theo công nghệ RFID sử dụng thẻ E-Tag trên QL1 và QL 14, hệ thống này được tính vào tổng mức đầu tư các dự án BOT.

"Vì vậy, việc lắp đặt hệ thống ETC tại các trạm thu phí là bắt buộc đối với tất cả các nhà đầu tư BOT”- ông Trường nói.

Tại cuộc họp các nhà đầu tư đồng thuận với chủ trương và thống nhất sẽ ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thiết bị, công nghệ thu phí không dừng RFID để triển khai đúng thời hạn.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị đến 30-6 toàn bộ các trạm thu phí trên QL1 và QL 1 phải hoàn thành và đưa vào sử dụng công nghệ không dừng.

Lộ trình tiếp theo là đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm thu phí thực hiện thu phí không dừng có barier và đến hết năm 2020 sẽ bỏ barier tại các thu phí.

Ông Trường đề nghị các nhà đầu tư hoàn tất ký phụ lục hợp đồng BOT với Bộ GTVT để thực hiện trạm thu phí không dừng trong tuần này để làm cơ sở triển khai trạm thu phí không dừng.

Nếu sang tuần sau, nhà đầu tư nào chưa ký phụ lục hợp đồng, Bộ GTVT sẽ ra quyết định dừng thu phí tại trạm thu phí của nhà đầu tư đó.

Tại cuộc họp, Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và nhà đầu tư đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết hiện nay hai đơn vị này đang sử dụng công nghệ thu phí khép kín trên đường cao tốc khác với công nghệ thu phí không dừng RFID.

Vì vậy, cần phải tích hợp, kết nối giữa các công nghệ với nhau để thực hiện thu phí không dừng trên toàn quốc mới đạt được mục tiêu chỉ cần dán 1 thẻ lên xe là sử dụng được tất cả các trạm thu phí không dừng. Việc này, được Bộ GTVT bàn bạc cụ thể với các nhà đầu tư và đơn vị cung cấp công nghệ thu phí trên các dự án của họ để tháo gỡ.

Công nghệ thu phí không dừng được Bộ GTVT đề nghị sử dụng thống nhất trên các trạm thu phí là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C do Hoa Kỳ. Để sử dụng thu phí tự động không dừng, chủ xe được phát một thẻ định danh E-tag (cấp miễn phí) để dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch.

Tài khoản này có thể nạp tiền bằng nhiều kênh khác nhau như: nạp trực tiếp, qua mạng Internet, qua ngân hàng, qua thẻ cào, gửi tin nhắn bằng điện thoại,…

Sau khi xe được dán thẻ E-tag chạy vào làn thu phí, hệ thống nhận diện xe bằng công nghệ Laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống Antena sẽ phát tín hiệu để đọc thẻ E-tag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe.

Nếu tài khoản thu phí của xe đủ điều kiện để qua trạm, barrier sẽ được mở tự động để xe đi qua, đồng thời một tin nhắn SMS sẽ được gửi về số điện thoại đã đăng ký của chủ phương tiện thông báo mức phí vừa chi trả.

Trường hợp tài khoản thu phí của xe không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-Tag, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu một dừng (tài xế trả phí bằng tiền mặt).

Toàn bộ giao dịch thu phí đều được chuyển về và lưu trữ trên trung tâm dữ liệu của hệ thống.

Tiền thu phí được chuyển vào tài khoản trung gian, đến cuối mỗi ngày, doanh thu của từng trạm thu phí sẽ được đối soát và chuyển về tài khoản của từng nhà đầu tư BOT thông qua hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng một cách chính xác, minh bạch.

Việc thu phí không dừng được đánh giá là giảm chi phí, nhân lực và cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, nhà đầu tư BOT có thể kiểm soát chặt chẽ, minh bạch số tiền thu được của từng trạm thu phí, chống thất thoát, tiêu cực.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư