Khơi thông động lực tăng trưởng cho kinh tế tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - So với khảo sát tháng 4/2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), tháng 12/2023, các doanh nghiệp (DN) đã đánh giá triển vọng của DN mình tốt hơn. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban IV cho rằng, tín hiệu từ DN cho thấy niềm tin kinh doanh đang dần quay trở lại. Mặc dù vậy, khó khăn vẫn còn rất nhiều, các DN cần chính sách “khoan thư sức dân” để nuôi dưỡng niềm tin và khơi thông động lực tăng trưởng.
Cần có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển kinh doanh dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ. Ảnh: Lê Tiên
Cần có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển kinh doanh dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ. Ảnh: Lê Tiên
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy

Tại Báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình DN cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024, Ban IV đánh giá, niềm tin kinh doanh đang dần quay trở lại. Cơ sở nào để Ban IV khẳng định điều này, thưa bà?

So với con số của khảo sát tháng 4/2023, đến nay, tình hình của DN đã lạc quan hơn nhiều. Cụ thể, tỷ lệ DN đánh giá tích cực/rất tích cực tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 2,7 lần so với khảo sát tháng 4. Tỷ lệ đánh giá tích cực/rất tích cực về kinh tế ngành hiện tại gấp 2,5 lần. Tỷ lệ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần. Tỷ lệ DN dự kiến mở rộng quy mô lớn tăng gấp 2 lần; tỷ lệ mở rộng quy mô vừa phải tăng gấp 2,5 lần.

Các chỉ số, chỉ báo khác về triển vọng tiếp cận vốn, triển vọng thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có tỷ lệ, điểm đánh giá cao hơn so với kết quả khảo sát tháng 4.

Với những chỉ dấu này, chúng tôi hy vọng rằng, những khó khăn đã đi qua.

Triển vọng kinh tế bắt đầu có một số chỉ báo tích cực. Vậy tại sao Ban IV vẫn cho rằng, cần tiếp tục vun đắp và nuôi dưỡng niềm tin, năng lực phục hồi cho DN?

Trong tổng số 2.734 DN tham gia khảo sát, vẫn còn tới hơn 69% DN đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024. Điều này cho thấy, triển vọng kinh tế qua góc nhìn của DN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các DN trong ngành xây dựng. Những khó khăn mà DN phản ánh thực ra không mới, đó là khó khăn về đơn hàng, tiếp cận vốn vay, thủ tục hành chính, thông tin thị trường, nguy cơ hình sự hoá quan hệ kinh tế…

Cụ thể, theo phản ánh của DN, lãi suất thực vay ở thời điểm khảo sát vẫn ở mức trên 10%, dù lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã chạm đáy. Các thủ tục hành chính cũng được DN cho rằng có nhiều thách thức trong việc tuân thủ, đặc biệt là thủ tục hoàn thuế, thủ tục để được nhận ưu đãi lãi vay 2% vì quy trình phức tạp, cần nhiều hồ sơ, giấy tờ chứng minh.

Trong khi đó, vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với DN chưa tích cực thì khả năng phục hồi và phát triển của DN sẽ bị hạn chế. Khó khăn về dòng tiền là vấn đề rất lớn của nền kinh tế và từng DN, khi mà lãi suất thực vẫn neo ở mức cao, niềm tin từ thị trường trái phiếu, chứng khoán dù đã phục hồi nhưng chưa đủ mạnh để DN chủ động được việc huy động vốn.

Nhiều DN phản ánh, sự quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh mới chỉ dừng ở cấp Trung ương. Tại cấp địa phương (từ tỉnh xuống), còn nhiều bất cập, các hoạt động hành chính chậm chạp, kém hiệu quả... khiến DN đánh mất nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh. Nhiều DN ngại mở rộng quy mô hoạt động theo hướng đầu tư hạ tầng bền vững vì sự phức tạp liên quan thủ tục với các cơ quan nhà nước, nhất là trong lĩnh vực liên quan tới đất đai…

Những rủi ro ở trong nước cùng tác động bất lợi từ bên ngoài do xung đột địa chính trị, hay diễn biến căng thẳng gần đây tại khu vực Biển Đỏ khiến chi phí vận tải biển quốc tế leo thang… khiến không ít DN lo lắng vì tương lai khó đoán định.

Theo bà, cần làm gì để khơi thông động lực tăng trưởng cho kinh tế tư nhân trong thời gian tới?

Năm 2024 là một năm nhiều biến số do bối cảnh toàn cầu còn diễn biến phức tạp, trong khi nội lực của DN đã bị bào mòn. Do đó, sự quyết liệt, kịp thời trong các giải pháp thúc đẩy phát triển phải liên tục được duy trì, lan tỏa từ Thủ tướng, Chính phủ đến các bộ, ngành, cấp cơ sở nhằm tiếp tục đồng hành hiệu quả, trợ lực, vun đắp niềm tin để người dân và DN vượt khó. Đây là thời điểm “vàng” để cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế, cũng như của mô hình phát triển để tạo ra động lực phát triển mới.

Theo đề xuất của các DN tham gia khảo sát, Chính phủ cần gia tăng động lực và thúc đẩy cán bộ cấp cơ sở để thời gian giải quyết thủ tục hành chính phù hợp hơn với nhu cầu DN. Bên cạnh đó, cần xem xét các tiêu chí liên quan tới người điều hành tại các tỉnh, thành nếu trong khoảng thời gian nhất định không hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đã được Chính phủ giao. Ví dụ việc thu hút, đẩy mạnh đầu tư, giải quyết thủ tục đầu tư gây hậu quả cho DN, trì trệ về hành chính và công ăn việc làm cho số đông người lao động… Cần tạo điều kiện cho nhân sự có các sáng kiến mới, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Để giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, một số DN tham gia khảo sát khuyến nghị, nên tiếp tục ưu tiên xử lý hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN; thay đổi các quy định về giới hạn 30% lãi vay ngân hàng trong giao dịch liên kết; giảm thuế thu nhập DN cho DN vừa và nhỏ về 18%, sau đó về 15% để giúp DN củng cố nguồn lực trong ngắn hạn…

Bên cạnh việc tập trung giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế, các DN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có những chính sách thúc đẩy DN chuyển đổi xanh, phát triển kinh doanh dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ.

Thực tế, đến nay, một số DN đã bắt đầu có những bước đi tích cực trong “cuộc chơi” mới này, bởi họ nhìn thấy cơ hội hoặc xuất phát từ yêu cầu bắt buộc của bên mua hàng. Chẳng hạn như mô hình lúa gạo phát thải thấp, café phát thải thấp; chế biến phụ phẩm tôm/cá thành sản phẩm có giá trị trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm… Hay nhóm ngành phát thải cao như nhôm, thép, vật liệu xây dựng… cũng đã có những DN tiên phong tiến hành kiểm kê lượng phát thải để tính toán tham gia “đường đua” toàn cầu. Tuy vậy, số DN có sự chủ động nắm bắt cơ hội vẫn còn ít, chưa có sự lan toả rộng khắp trong cộng đồng. Phần lớn DN khi được hỏi vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu hoặc vẫn chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước. Để tận dụng được cơ hội dành trong xu thế xanh toàn cầu, rất cần các chính sách quốc gia để tạo cú hích, tạo sự bứt phá trong giai đoạn tới đây.

Chuyên đề