Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ góp phần hình thành hành lang phát triển kinh tế từ vùng Đồng bằng sông Hồng tới Tuyên Quang và Hà Giang. Ảnh: Tường Lâm |
Kết nối địa phương, cải thiện tăng trưởng
Ngày 10/10/2023, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang là 1 trong 8 dự án được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định bổ sung vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) là dự án nhóm A, có tổng chiều dài 104,5 km, trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh Tuyên Quang (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm Chủ đầu tư) dài 77 km, với tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng; đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Hà Giang (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hà Giang làm Chủ đầu tư) dài 27,48 km, tổng vốn đầu tư 3.197,956 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự kiến cuối năm 2025.
Tại lễ phát lệnh khởi công, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước. Với Hà Giang - Tuyên Quang, Dự án gần 10.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Tuyên Quang chỉ đạt 6,8%/năm; Hà Giang đạt 6%/năm. Nếu so sánh với tăng trưởng khu vực trung du miền núi phía Bắc cùng thời kỳ là 7%/năm, thì tốc độ tăng trưởng GRDP của hai địa phương này là thấp.
Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 9,5% trong giai đoạn 2021-2030. Theo lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, đây là mục tiêu tham vọng, nhưng có tính khả thi trong bối cảnh Tuyên Quang đang ưu tiên tập trung nguồn lực vào đầu tư xây mới, nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối với quốc tế và kết nối các địa phương.
Trong khi đó, Hà Giang ở vị trí “phên dậu” nơi cực Bắc của Tổ quốc, có nhiều dư địa phát triển, nhưng mạng lưới giao thông hạn chế, chưa có đường cao tốc kết nối đến Hà Giang với các vùng miền. Bản Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ thông qua ngày 15/11/2023 xác định, kết cấu hạ tầng giao thông là cơ sở hạ tầng có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo đó, việc hoàn thành Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đúng tiến độ trong giai đoạn 2022 - 2030 là một động lực để Tỉnh đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 ở mức 8%/năm.
Địa phương - nhà thầu nỗ lực song hành
Ngày 21/10/2023, Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang được khởi công. Đến nay, có 2 gói thầu xây lắp đã ký hợp đồng, trong đó, Gói thầu số 20 Thi công xây dựng đoạn tuyến từ Km23+00 - Km43+00 do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam - Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi đảm nhận với tổng giá trị hợp đồng 1.268 tỷ đồng. Gói thầu số 21 Thi công xây dựng đoạn tuyến từ Km43+00 - Km55+00 được trao cho Liên danh Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty TNHH Phúc Thành An - Công ty TNHH Hiệp Phú, với giá trị 764 tỷ đồng. 4 gói thầu xây lắp còn lại đang được Chủ đầu tư gấp rút triển khai công tác đánh giá hồ sơ dự thầu, dự kiến hoàn thiện trao hợp đồng trong quý IV/2023.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú (Tuyên Quang) cho biết, hiện công trình chưa phát sinh khối lượng thi công do các địa phương có Dự án đi qua (TP. Tuyên Quang, huyện Yên Sơn và huyện Hàm Yên) vẫn đang giải phóng mặt bằng. Là nhà thầu địa phương góp mặt trong liên danh thi công Gói thầu số 21, đại diện Công ty TNHH Hiệp Phú bày tỏ niềm vinh dự và cam kết sẽ tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, quyết tâm bảo đảm tiến độ Dự án, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Trên địa phận tỉnh Hà Giang, Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đã được khởi công ngày 28/5/2023. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, là tuyến đường cao tốc đầu tiên thực hiện trên địa bàn Tỉnh, nên ngay từ đầu, Dự án đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh và đồng thuận của nhân dân. Đến nay, mặt bằng tuyến đã được huyện Bắc Quang bàn giao cho Chủ đầu tư và đơn vị thi công với tổng chiều dài 24,031 km, đạt 87,5%. Tổng diện tích đất thu hồi dự kiến 312 ha; đã chi trả 307 tỷ đồng trong tổng số 438 tỷ đồng dự kiến chi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thông tin về tiến độ triển khai 3 gói thầu xây lắp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang cho biết, Gói thầu số 03-XL Thi công xây dựng Km0+00 - Km12+500 do Vinaconex thực hiện có giá trị 898 tỷ đồng. Nhà thầu đang khẩn trương tổ chức 3 mũi thi công đào, đắp nền đường, cầu, cống thoát nước ngang, hầm chui dân sinh... Trong đó, 1 mũi do Vinaconex thực hiện, 2 mũi còn lại do nhà thầu phụ là Công ty TNHH Hiệp Phú và Công ty CP Vimeco triển khai. Khối lượng thực hiện đến nay đạt 31,5 tỷ đồng.
Gói thầu số 04-XL Thi công xây dựng Km12+500 - Km19+120 do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Thuận An - TAG - Công ty CP Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam thi công, với tổng giá trị hợp đồng 815 tỷ đồng. Dù mới tiếp cận mặt bằng và thi công từ ngày 30/10/2023, song giá trị thực hiện đến nay đã đạt 8,03 tỷ đồng.
Tại Gói thầu số 05-XL Thi công xây dựng Km19+120 - Km27+480, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Taco Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng Đồng Tiến - Công ty TNHH Phúc Thành An, với tổng giá trị 805 tỷ đồng. Ngay khi tiếp cận mặt bằng ngày 5/11/2023, Liên danh đã quyết tâm đẩy nhanh tiến độ bằng 4 mũi thi công. Trong đó, mũi số 1 do Công ty TNHH 307 Hà Giang (nhà thầu phụ) thực hiện; mũi số 2 do Công ty CP Taco Trường Sơn thực hiện; mũi số 3 do Công ty TNHH Phúc Thành An thi công và mũi số 4 do Công ty CP Xây dựng Đồng Tiến đảm nhận.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2023, kế hoạch vốn giao cho Dự án là 1.154 tỷ đồng. Tính đến nay, Dự án đã giải ngân được trên 1.000 tỷ đồng, dự kiến đến ngày 31/12/2023, Dự án sẽ giải ngân 100% kế hoạch.
Bên cạnh cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, dự kiến đến năm 2030, nhiều tuyến cao tốc sẽ được hoàn thành như: Hữu Nghị - Chi Lăng; Tuyên Quang - Phú Thọ; Chợ Mới - Bắc Kạn; Vành đai 5 (Hà Nội) qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang; Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La; Đoan Hùng - Chợ Bến; Chợ Bến - Yên Mỹ; tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai... Các tuyến cao tốc sẽ khơi thông dòng chảy kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.