Khởi nghiệp khó gọi vốn

(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trịnh Minh Giang, người sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Quản lý Việt, Chủ tịch Nhóm công tác khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) cho rằng, một khó khăn của các công ty khởi nghiệp hiện nay chính là việc kêu gọi vốn.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ông đánh giá như thế nào về những cơ chế, chính sách liên quan tới việc hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay?

Như chúng ta đều thấy, thời gian qua, từ lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đều rất chú trọng vào việc hỗ trợ, phát triển cộng đồng khởi nghiệp.

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ liên tục nhấn mạnh vai trò mũi nhọn của khởi nghiệp. Các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ… thời gian qua cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ khởi nghiệp.

Các địa phương hiện nay cũng có nhiều động thái hỗ trợ khởi nghiệp như thành lập vườn ươm… Trong tháng 8 vừa qua, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng đã trực tiếp tổ chức trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Thành phố có chia sẻ tháng 10 sẽ ra mắt 1 cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp...

Khởi nghiệp khó gọi vốn ảnh 1
Ông Trịnh Minh Giang
Tất cả những điều này tạo hứng khởi, niềm tin đối với các bạn khởi nghiệp rất nhiều. Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn rằng, hiện nay việc có cơ chế hỗ trợ chính sách tới khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, đã có nhưng chưa rõ nét.

Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều nội dung hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2018 mới có nghị định hướng dẫn. Khi nào có nghị định thì những hỗ trợ về chính sách trong Luật mới đi vào thực tế được.

Một trong những nội dung được các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm đó là quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, mà bản chất chính là quỹ đầu tư mạo hiểm. Nếu nghị định này ra đời sẽ có hành lang pháp lý chính thức cho việc đầu tư vốn vào các công ty khởi nghiệp sáng tạo.

Hiện mới chỉ có khung pháp lý cho mô hình công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Còn khung pháp lý cho công ty quản lý quỹ đầu tư vào công ty chưa niêm yết hay khởi nghiệp sáng tạo thì chưa có.

Chúng tôi rất kỳ vọng nghị định hướng dẫn sẽ ra đời theo đúng tiến độ là 1/1/2018. Ở thời điểm khởi nghiệp đang bùng phát mạnh mẽ, nếu không có hành lang pháp lý tốt sẽ vuột mất cơ hội cho các công ty khởi nghiệp.

Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh, đó là hiện vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ công cụ để bảo vệ các nhà đầu tư. Ở nước ngoài có các hình thức đầu tư như khoản vay chuyển đổi, trái phiếu chuyển đổi. Thay vì việc đầu tư thì họ có thể cho vay. Đến thời điểm tốt thì có thể tiến hành chuyển đổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có những hướng dẫn cụ thể việc doanh nghiệp mới khởi nghiệp được phép phát hành trái phiếu hoặc phát hành khoản vay như thế. Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ chế cho phép ngân hàng hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo. 

Ngoài câu chuyện liên quan tới chính sách, còn có khó khăn gì không trong việc kêu gọi nguồn vốn vào các công ty khởi nghiệp hiện nay, thưa ông?

Thật không dễ để gọi được vốn đầu tư trong nước cho các công ty khởi nghiệp, hiện nay chủ yếu vẫn là các quỹ đầu tư nước ngoài. Ở Việt Nam, văn hoá đầu tư, đặc biệt là văn hóa đầu tư “thiên thần” (tức là đầu tư vào giai đoạn đầu khởi nghiệp) chưa có.

Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu họ thích tự làm hoặc có tiền thì đầu tư vào cho người thân hay các công ty có lãi. Vì chưa có văn hoá đầu tư “thiên thần” nên các nhà đầu tư có cảm giác rủi ro và e dè khi đầu tư vào những công ty non trẻ như các startup.

Do vậy, cần có cơ chế đảm bảo rủi ro cho họ. Nếu không có hành lang pháp lý để tập hợp tổ chức đầu tư chuyên nghiệp thì các nhà đầu tư không dám đầu tư. Bởi vì bên cạnh vấn đề về văn hoá còn có cả yếu tố liên quan tới năng lực đánh giá. Nếu không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, rất khó để đánh giá tiềm năng đối với các startup.

Trong khi đó, vai trò của nhà đầu tư trong giai đoạn đầu đối với các công ty khởi nghiệp là rất quan trọng. Nếu không có giai đoạn này thì họ rất khó để tiếp cận với các nguồn vốn lớn hơn trong tương lai.

Nhiệm vụ của chúng tôi hiện nay là phát triển mạng lưới các nhà đầu tư “thiên thần” vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. Để phát triển được thì cần làm động tác mạnh mẽ trước đó là thay đổi văn hoá hay tạo văn hoá đầu tư “thiên thần”. Ở Việt Nam, người có tiền không thiếu nhưng vì chưa có văn hoá đầu tư và cũng vì họ chưa hiểu nhiều về khởi nghiệp sáng tạo nên việc đầu tư còn hạn chế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư