Khởi động TPP: Nhiều tín hiệu vui

Ngày 4-2-2016, Việt Nam và 11 nước tham gia Hiệp định TPP đã cùng đặt bút ký Hiệp định quan trọng này. Tham gia TPP, nhiều DN lạc quan với những đơn hàng đang dồn dập đổ về, còn những DN dự kiến sẽ gặp khó với TPP cũng đang nỗ lực vươn lên để vượt qua thách thức.
Dệt may lạc quan với TPP. Ảnh: HỮU LINH.
Dệt may lạc quan với TPP. Ảnh: HỮU LINH.

Dồn dập đơn hàng

“Hiện nay công ty chúng tôi đạt kim ngạch XK xấp xỉ 400 triệu USD/năm. Sau 5 năm tới, chúng tôi dự kiến có thể đạt khoảng 550 triệu USD/năm, tăng gấp rưỡi so với hiện nay” - ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc Công ty CP May Hưng Yên không giấu nổi sự lạc quan khi nói về cơ hội của TPP.

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ: Trong điều kiện bình thường các năm qua, ngành dệt may vẫn tăng trưởng trung bình 10%/năm. Nay với TPP, DN có cơ hội mở rộng thị phần sang các nước trong khối TPP như Nhật, Mỹ và một số thành viên khác. Trước đây mỗi năm chúng tôi tăng trưởng XK bình quân 20%/năm, trong 5 năm tới phải tăng thêm.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát cũng cho rằng TPP “đem lại nhiều lợi ích cho DN, nhất là DN XK”.

Bà Trương Thị Thúy Liên bộc bạch: Năm 2015, khi mới nhen nhóm thông tin TPP được ký kết, lượng khách hàng tìm đến Việt Nam đã nhiều rồi. Từ năm ngoái, nhiều DN Mỹ đã vào Việt Nam khảo sát nghiên cứu, đặt hàng các DN có nguồn hàng XK đáp ứng yêu cầu TPP. Trong năm 2016 này, đơn hàng của Mỹ vào Việt Nam cũng rất lớn. “Với Công ty Liên Phát, trong năm 2015 lượng đơn hàng đã có sự cải thiện, so với các năm trước tăng từ 10-15%. Năm 2016 lượng đơn hàng sẽ tăng nhiều hơn nữa” - bà Trương Thị Thúy Liên nói và cho biết thêm: “Những năm trước chúng tôi xuất qua EU là chính, vừa rồi đã xuất sang Mỹ với tỷ lệ tương đối lớn. Năm 2016 lượng hàng đó sẽ lớn hơn nữa”.

“Lo nhưng đừng bi quan”

Trái ngược với những hân hoan của các DN dệt may, da giày, ngành chăn nuôi Việt Nam dự kiến sẽ phải chịu nhiều thua thiệt khi tham gia TPP.

Chia sẻ với phóng viên, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) thừa nhận tham gia TPP ngành nông nghiệp, đặc biệt chăn nuôi là ngành cần phải lo ngại hàng đầu. Nhưng lãnh đạo DN chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt này nhấn mạnh: Lo ngại không có nghĩa chúng ta ngồi lo mãi, mà phải vạch ra được con đường để thoát. Quan trọng là phải nhìn rõ chỗ yếu, chỗ dễ bị tổn thương để có giải pháp khai thác và nhận ra được thế mạnh, tiềm năng để khai thác.

“2 năm sau hiệp định sẽ có hiệu lực và không phải cam kết nào cũng thực hiện ngay. Mặc dù, trong nội khối 12 nước, chúng ta là nước có xuất phát điểm rất thấp nhưng sẽ có giải pháp để vượt qua” - ông Văn Đức Mười chia sẻ. “Nhìn thấy để lo, để biết, để điều chỉnh. Chúng ta phải lo, nhưng đừng bi quan với nỗi lo đó” - đại diện VISSAN nhấn mạnh.

Quy tắc xuất xứ thách thức DN Việt

“Miếng bánh” TPP không dễ, mà thách thức trước nhất với DN dệt may, da giày là quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Còn với các DN thực phẩm là vấn đề “truy xuất nguồn gốc”.

Ông Nguyễn Xuân Dương, lãnh đạo Công ty CP May Hưng Yên nhận định đây là thách thức rất lớn. Bởi vì tỷ lệ nội địa hóa hiện nay của công ty vẫn còn chưa nhiều, chỉ khoảng trên 30%.

“Vào TPP, chúng tôi mong muốn sau 5 năm có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 70-80%. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào việc có công nghệ, kỹ thuật để làm vải tốt. Cho nên cần kéo nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư dệt, nhuộm, áp dụng công nghệ kỹ thuật của họ bởi DN ‘nội’ vốn chưa có bao nhiêu” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Không quá băn khoăn về quy tắc xuất xứ, bà Trương Thị Thúy Liên cho rằng: TPP với quy tắc xuất xứ không khó khăn gì nhiều với các DN Việt Nam, vì các DN đã có sự chuẩn bị để đạt được lợi ích từ TPP. Tuy chưa được nhiều, nhưng với tỷ lệ TPP quy định thì không khó để các DN đạt được yêu cầu để đem lại lợi ích khi XK vào các nước TPP.

Ông Văn Đức Mười lưu ý: Trước đây khi gia nhập WTO, và các hiệp định khác, chúng ta hay “vui chơi trên con đường đầy hoa lá”, cứ nghĩ hiệp định được ký kết là xong. Không phải vậy, ký kết xong còn phải chuẩn bị về nguồn lực. Nhiều nước có xuất phát điểm rất cao, và họ cũng chuẩn bị rất tốt về nhận thức cho DN, hạ tầng kinh tế, sự đối mặt với thể chế mới của 12 nước nội khối.

Cá nhân vị lãnh đạo DN này cũng trăn trở về quy định “truy xuất nguồn gốc” trong TPP. Chẳng hạn, sản phẩm gia súc Việt Nam phải đảm bảo được thực hiện trên cơ sở “từ trang trại đến bàn ăn”. Có nghĩa, khi mua một miếng thịt, người dùng sẽ biết được con heo đó được chăn nuôi, giết mổ thế nào, thực hiện được như vậy mới đảm bảo chuỗi sản phẩm và được chấp nhận XK.

“Tôi lo lắng vì chúng ta kiểm soát thực hiện truy xuất nguồn gốc còn yếu, khập khiễng. Liên kết về ngành đã có, nhưng liên kết về vùng thì chưa mạnh, vẫn mạnh ai nấy làm” - ông Văn Đức Mười băn khoăn.

Đại diện VISSAN cho rằng ở các nước, vấn đề truy xuất nguồn gốc là đương nhiên nhưng với Việt Nam, điều này còn là điểm yếu. “Cho nên với các hiệp định được ký kết, chúng ta có dịp tự nhìn lại mình, bắt đầu lại từ đầu. Có thể là hơi trễ nhưng vẫn tốt hơn là chúng ta không làm gì” - ông Văn Đức Mười nói.

TS Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Quy tắc xuất xứ trong TPP là một cơ hội cho Việt Nam thay đổi cơ cấu công nghiệp về “chất” khi thu hút các DN FDI vào công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để có thể thu hút được các ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam phải thay đổi về chất đối với nguồn nhân lực và hệ thống ưu đãi đối với các ngành này, đang là những điểm nghẽn hạn chế sự phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Chuyên đề