Khởi động thoái vốn nhà nước tại Vinapharm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cổ đông nhà nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn nhất tại Vinapharm đang tìm kiếm đơn vị tư vấn xây dựng phương án thoái vốn nhà nước tại công ty này.
Vinapharm đang quản lý, sử dụng gần 9.870 m2 đất, chủ yếu là khu đất diện tích lớn tại khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên
Vinapharm đang quản lý, sử dụng gần 9.870 m2 đất, chủ yếu là khu đất diện tích lớn tại khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, cổ đông nhà nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn nhất tại Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm) là Bộ Y tế đang tìm kiếm đơn vị tư vấn xây dựng phương án thoái vốn nhà nước tại công ty này. Đây sẽ là một bước quan trọng để giúp giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại Vinapharm về mức 36% trong năm nay theo đúng Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, cuối tháng 6/2020, Văn phòng Bộ Y tế đã thông báo lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng phương án chuyển nhượng vốn nhà nước và tổ chức chuyển nhượng vốn nhà nước tại Vinapharm.

Trước đó, Văn phòng Bộ Y tế cũng đã thông báo lựa chọn Công ty TNHH Kiểm toán CPA VIETNAM thực hiện gói thầu xác định giá khởi điểm cổ phần khi thoái vốn nhà nước tại Vinapharm vào đầu tháng 5. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vừa diễn ra, Vinapharm cũng cho biết, đơn vị tư vấn đã bắt đầu thực hiện việc thu thập dữ liệu Tổng công ty và công ty thành viên từ ngày 4/5/2020.

Theo danh mục 120 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước năm 2020 được ban hành vào cuối tháng 6 vừa qua, Vinapharm sẽ phải hoàn thành việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức 36% trong năm nay. Hiện Bộ Y tế đang nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Vinapharm, còn cổ đông chiến lược là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương nắm giữ 17%.

Vinapharm tiến hành cổ phần hóa, bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào 22/6/2016 và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ tháng 12/2016. Trong 2 năm 2018 và 2019, lãi ròng của Tổng công ty luôn được duy trì quanh mức 210 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh quý I/2020, Vinapharm ghi nhận doanh thu thuần gần 1.322 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng lợi nhuận gộp đạt 117,6 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh, lên tới 53,6 tỷ đồng nên sau khi khấu trừ các khoản chi phí, thuế, Tổng công ty báo lãi 28,1 tỷ đồng, giảm hơn một nửa kết quả đạt được cùng kỳ 2019.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, Vinapharm đặt mục tiêu 5.853 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 1% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 216,1 tỷ đồng, giảm 10,5% so với lợi nhuận đạt được năm 2019. Vinapharm cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế và dược phẩm vẫn có khả năng duy trì tăng trưởng do dịch Covid-19 tác động không đáng kể tới đầu ra tại thị trường nội địa.

Một điểm đáng chú ý khác là Vinapharm đang quản lý, sử dụng gần 9.870 m2 đất, chủ yếu là các khu đất diện tích lớn tại khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM. Trong đó "đất vàng" 95 Láng Hạ (Hà Nội) có diện tích gần 3.280 m2 là khu tập thể hỗn hợp với nhiều chủ sở hữu. Cũng bởi khó khăn do nhiều chủ sở hữu nên việc xây dựng và triển khai đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Đối với dự án tại 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội, Vinapharm đã bán được 6/13 căn hộ, 3 sàn thương mại với tổng diện tích 1.854,2 m2 chưa thực hiện chuyển nhượng được. Còn mảnh đất hơn 1.863 m2 ở số 12 Ngô Tất Tố, Hà Nội hiện đang sử dụng làm trụ sở văn phòng Tổng công ty...

Ngoài ra, tại TP.HCM, Tổng công ty cũng có 2 khu đất diện tích khoảng 1.930 m2 tại Quận 3. Theo chia sẻ của lãnh đạo Vinapharm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, doanh nghiệp này đang làm các thủ tục để chuẩn bị đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng hạng C tại số 178 Điện Biên Phủ với diện tích 1.235,7 m2.

Chuyên đề