Năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước tính tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch. Ảnh: Hoàng Hà |
Bức tranh hiệu quả thực tế
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt 1.135.743,61 tỷ đồng, vượt 5,15% kế hoạch năm 2023 và bằng 96,57% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)) đạt 53.256,32 tỷ đồng, bằng 166,09% kế hoạch và bằng 110,92% so với năm 2022. Nếu tính cả EVN, lợi nhuận trước thuế đạt 28.661,32 tỷ đồng, bằng 89,39% kế hoạch và bằng 133,19% năm 2022.
Hiện một số doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh ước tính năm 2023 với nhiều nét tích cực. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ghi nhận tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch, cao hơn 11,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. PVN thực hiện nộp ngân sách nhà nước đạt 151,8 nghìn tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) ước đạt 24.485 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất, vượt 1% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 4.015 tỷ đồng, vượt 1,4% kế hoạch. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của VRG được ĐHĐCĐ thông qua đầu năm đã được điều chỉnh giảm 12% doanh thu và 19% lợi nhuận trước thuế theo Nghị quyết thông qua vào ngày 22/12/2023.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ghi nhận 17.964 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, bằng 104% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.084 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt 20.034 tỷ đồng doanh thu, bằng 103% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 8.646 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) ước doanh thu thực hiện khoảng 23.000 tỷ đồng, bằng 150,46% so với kế hoạch và bằng 130,14% năm 2022; lợi nhuận trước thuế ước khoảng 121 tỷ đồng, bằng 120,46% kế hoạch.
Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp kinh doanh chưa có lãi trong năm 2023. Theo một báo cáo gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết, doanh thu hợp nhất năm 2023 ước đạt 488.000 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022. Tuy nhiên, do gặp khó khăn từ giá nhiên liệu vẫn ở mức cao so với giai đoạn 2020 - 2021 và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nước về các hồ thủy điện thấp, EVN ước tính lỗ 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng.
Ngoài EVN, nhiều khả năng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ tiếp tục lỗ trong năm 2023. Theo tờ trình mục tiêu kinh doanh năm 2023 được thông qua ngày 16/12, doanh nghiệp này dự kiến lỗ hợp nhất 5.562 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 4.870 tỷ đồng. Kế hoạch này thấp hơn nhiều so với số lỗ các năm trước của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là tín hiệu khả quan với Tổng công ty khi thị trường hàng không đang dần hồi phục.
Đẩy mạnh triển khai các dự án lớn
Một điểm sáng trong hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2023 là giải ngân vốn đầu tư đạt hơn 161 nghìn tỷ đồng, bằng gần 80% kế hoạch cả năm, cao hơn nhiều so với tổng giá trị thực hiện đầu tư của các năm vừa qua. Trong đó, các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng có tỷ lệ giải ngân cao so với kế hoạch năm như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 83%, EVN đạt 99% và PVN đạt 55,2%.
Nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tích cực đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu thi công dự án.
Mới đây, EVN đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu (hiệu chỉnh) đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (42.022 tỷ đồng). Trong đó, Gói thầu số 26 (BH03-QT1) Bảo hiểm thi công xây dựng công trình và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba trong quá trình xây dựng nhà máy chính giá trị hơn 158,411 tỷ đồng đang được tổ chức đấu thầu rộng rãi. Các gói thầu xây lắp như Gói thầu số 13 (XL03-QT1) Thiết kế bản vẽ thi công - chế tạo và lắp đặt kết cấu thép mái kho than và tường lưới chắn gió kho than (giá trị hơn 590,8 tỷ đồng), Gói thầu số 14 (XL04-QT1) Thi công xây dựng bãi thải xỉ, tháp thu nước, tuyến ống nước hồi (105,743 tỷ đồng)… dự kiến tổ chức lựa chọn nhà thầu trong tháng 1/2024.
ACV cũng mới công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Đầu tư nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống làm thủ tục hành khách dùng chung (CUTE/CUPPS) tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (773,2 tỷ đồng), dự kiến tổ chức trong quý I/2024.
Đối với Dự án Xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (724,945 tỷ đồng), ACV dự kiến tổ chức đấu thầu rộng rãi Gói thầu số 14 Thi công san nền, gia cố nền, cọc móng nhà ga (225,639 tỷ đồng) vào quý I/2024 và Gói thầu số 17 Thi công xây lắp, cung cấp hàng hóa và lắp đặt thiết bị công trình (393,425 tỷ đồng) vào quý II/2024. Tại Dự án Mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội bài (4.996,7 tỷ đồng), Gói thầu số 12 Thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình mở rộng nhà ga T2 (4.614,9 tỷ đồng) đang được tổ chức đấu thầu rộng rãi, thời điểm đóng thầu vào 9h ngày 23/1/2024.
Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (29.586 tỷ đồng) sau khi được tháo gỡ khó khăn về vốn cũng đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đẩy mạnh triển khai. Gói thầu J3-1 Thi công phần khối lượng còn lại của Gói thầu J3 (859,741 tỷ đồng) đang được tổ chức đấu thầu rộng rãi, thời điểm đóng thầu vào 14h ngày 20/3/2024. Bên cạnh đó, Gói thầu XL-A2.2-4 Thi công phần khối lượng còn lại và bổ sung của các gói thầu A4 và A2-2 (1.123,89 tỷ đồng) đóng thầu vào lúc 15h ngày 19/1/2024.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty, Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đang được triển khai quyết liệt. Đến nay, 19/19 đơn vị trình hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền về đề án cơ cấu lại, trong đó 10 đề án đã được phê duyệt, 9 đề án đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.