Khởi đầu tích cực của doanh nghiệp dệt may

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau năm 2023 gặp nhiều khó khăn do sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may như May Sông Hồng, Dệt may Thành Công, May Việt Tiến, Tổng công ty May 10... đã có khởi đầu tích cực trong quý đầu tiên của năm 2024 với kết quả kinh doanh tăng trưởng trở lại nhờ lượng đơn hàng phục hồi.
Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ 2023. Ảnh: Lê Tiên
Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ 2023. Ảnh: Lê Tiên

Doanh thu tăng trưởng nhờ đơn hàng phục hồi

Công ty CP May Sông Hồng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 770 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 95,3 tỷ đồng, tăng 27,2%. Ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT May Sông Hồng cho biết, động lực tăng trưởng doanh thu trong quý I/2024 đến từ việc Công ty ký được nhiều đơn hàng hơn.

Trong quý I/2024, hoạt động tài chính của May Sông Hồng cũng đạt doanh thu gần 45 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 nhờ lãi tỷ giá tăng mạnh theo xu hướng tăng của tỷ giá VND/USD. Thu nhập từ lãi tiền gửi cũng tăng khi Công ty gia tăng lượng tiền tích lũy. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế đạt 62 tỷ đồng, tăng 60% so với quý I/2023

Kết quả kinh doanh của May Sông Hồng đã phục hồi khá tích cực sau khi giảm 17,7% về doanh thu và giảm 27,4% về lợi nhuận trong năm 2023, “đánh dấu một trong những giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành dệt may Việt Nam khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc liên tục phải gồng mình ứng phó với nhiều áp lực, thách thức bủa vây”, ông Thịnh chia sẻ. Năm nay, May Sông Hồng đặt mục tiêu doanh thu 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 370 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,5% và 20,5% so với năm 2023. Như vậy, sau quý I/2024, Công ty đã hoàn thành 15% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) cũng vừa báo lãi trước thuế quý I/2024 đạt 78,7 tỷ đồng, cao nhất trong 6 quý trở lại đây. Tại bản tin về tình hình kinh doanh công bố cuối tháng 4/2024, Dệt may Thành Công cho biết, đã nhận đơn hàng đạt khoảng 88% kế hoạch doanh thu quý II/2024 và khoảng 83% kế hoạch quý III/2024. Trên cơ sở dự báo tình hình xuất khẩu dệt may năm 2024 sẽ khởi sắc hơn và lượng đơn hàng tiếp nhận hiện nay, Công ty tự tin sẽ đạt kế hoạch doanh thu 3.707 tỷ đồng và lợi nhuận 161,2 tỷ đồng năm 2024, tăng trưởng lần lượt 12% và 21% so với thực hiện năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành dệt may cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu năm nay như Tổng công ty May 10 báo doanh thu quý I/2024 xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, tăng 25%; lợi nhuận trước thuế 36 tỷ đồng, tăng 29% so với quý I/2023. Tổng công ty CP May Việt Tiến đạt lợi nhuận trước thuế 45,5 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước và là quý I có lãi cao nhất 5 năm qua. Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ đạt lợi nhuận trước thuế 55,3 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 45% so với quý I/2023.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) là một trong những doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm trong quý I/2024. Mặc dù doanh thu quý đầu năm nay của TNG tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.353,7 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm về 41,9 tỷ đồng so với mức 43,6 tỷ đồng đạt được trong quý I/2023 do doanh thu tài chính giảm, chi phí bán hàng, chi phí quản lý gia tăng. Tuy nhiên, kết quả này có phần do mức nền cao TNG đạt được trong năm 2023 khi là một trong số ít doanh nghiệp dệt may giữ được tăng trưởng trong năm khó khăn của ngành.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên tổ chức vào cuối tháng 4/2024, Ban lãnh đạo TNG đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với doanh thu 7.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,4% và 41,3% so với thực hiện năm 2023. Qua đó, TNG là một trong những doanh nghiệp có kế hoạch tăng trưởng cao nhất ngành năm nay.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG cho biết, do ảnh hưởng từ việc đơn hàng nhận năm 2023 đơn giá thấp hơn, số ngày làm việc của quý I/2024 ít hơn nên kết quả kinh doanh quý đầu năm 2024 tăng trưởng không cao, nhưng nhìn chung năm 2024, Công ty dự báo sẽ tăng trưởng khả quan.

Triển vọng lạc quan dù còn nhiều thách thức

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2023, phục hồi tốt so với mức giảm 19,6% trong quý I/2023 và mức giảm 11,3% năm 2023. Qua đó, hoàn thành khoảng 21,6% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD mà VITAS đề ra cho năm 2024, tăng 9,2% so với 2023. Kết quả này được đánh giá đến từ sự phục hồi đơn hàng tại các thị trường truyền thống của ngành dệt may Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… trong bối cảnh sức mua được cải thiện và lượng tồn kho của các nhà bán hàng giảm thấp sau giai đoạn tập trung giải phóng hàng tồn kho trước đó.

Theo bộ phận phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (PHS), quá trình cắt giảm hàng tồn kho tại các thương hiệu thời trang Mỹ đã diễn ra xuyên suốt năm 2023 và tạo đáy kể từ quý IV/2023. Chu kỳ bổ sung hàng tồn kho đang trở lại sẽ là động lực chính giúp gia tăng đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong năm 2024. Dự báo tín hiệu phục hồi sẽ rõ ràng hơn từ quý II/2024 và ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ từ quý III/2024.

Tuy vậy, PHS cho rằng, đơn giá vẫn là thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam khi chi phí lao động cao hơn so với các nước đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ cùng với áp lực tỷ giá VND/USD tăng liên tục thời gian qua.

Ngoài ra, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển sang Mỹ và EU tăng, là rủi ro cho các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ và EU cao. Bởi dù hầu hết các doanh nghiệp dệt may đang xuất khẩu theo điều kiện FOB (người mua hàng chịu chi phí vận chuyển), nhưng căng thẳng tại Biển Đỏ sẽ tác động lên thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam. Đơn hàng dự kiến gia tăng, nhưng vẫn sẽ có rủi ro diễn ra cuộc chiến giá cả của các nhà cung cấp trong ngành khiến biên lợi nhuận năm 2024 chưa thể cải thiện nhiều.

Ngành dệt may đang ghi nhận tín hiệu phục hồi, nhưng sự khác biệt về thị trường tiêu thụ với các mức độ phục hồi sức mua khác nhau và sự khác biệt về phân khúc sản phẩm, chuỗi giá trị sản xuất sẽ khiến mức độ hồi phục của doanh nghiệp trong ngành được đánh giá khó đồng đều.

Chuyên đề