Khó như tìm nhà thầu dịch vụ bảo vệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, số lượng gói thầu dịch vụ bảo vệ phải gia hạn, hủy thầu tăng đột biến. Tìm hiểu nguyên nhân các gói thầu bị hủy, có thể thấy, chưa bao giờ lĩnh vực dịch vụ bảo vệ, đặc biệt là bảo vệ cơ sở y tế công lập lại kém hấp dẫn như hiện nay.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Liên tục gia hạn, hủy thầu

Theo thống kê chưa đầy đủ của phóng viên Báo Đấu thầu, tính từ tháng 1/2021 đến 20/5/2021, có đến 66 gói thầu dịch vụ bảo vệ trên cả nước được thông báo hủy thầu hoặc gia hạn thời gian đóng thầu. Các bên mời thầu (BMT) đứng đầu trong việc liên tục phải gia hạn, hủy thầu thuộc về bệnh viện, cơ sở y tế công lập, các trường học công lập. Câu chuyện diễn ra ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Ngày 5/1/2021, Bệnh viện Tim (Hà Nội) quyết định hủy Gói thầu Cung cấp dịch vụ bảo vệ trông giữ xe máy cho nhân viên tại Cơ sở 1 với lý do không có nhà thầu dự thầu. Ngày 11/1/2021, Trường Đại học Thủy lợi hủy Gói thầu Cung cấp dịch vụ bảo vệ cơ quan Trường Đại học Thủy lợi năm 2021 với lý do không có hồ sơ dự thầu (HSDT) nào đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Cũng trong tháng 1/2021, Bệnh viện Mắt (TP. Đà Nẵng) phải hủy Gói thầu Dịch vụ bảo vệ tại Bệnh viện Mắt năm 2021 với lý do tất cả HSDT không đáp ứng yêu cầu; Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam công bố hủy gói thầu tương tự với cùng lý do.

Bệnh viện quận Bình Tân (TP.HCM) trong tháng 3/2021 buộc phải hủy Gói thầu số 03 Dịch vụ bảo vệ năm 2021 với lý do không có nhà thầu tham dự. Điều đáng nói, đây là lần thứ 2 Bệnh viện quận Bình Tân mời thầu nhưng vẫn “ế”.

Sang tháng 4/2021, nhiều bệnh viện khác tiếp tục công bố hủy các gói thầu cung cấp dịch vụ bảo vệ. Ngày 2/4/2021, Bệnh viện quận Bình Thạnh hủy gói thầu dịch vụ bảo vệ năm 2021 - 2022 với lý do không có nhà thầu nào đáp ứng.

Cùng trong thời gian này, có đến hàng chục bệnh viện trong cả nước đã phải công bố gia hạn, lùi thời điểm đóng thầu do không có nhà thầu quan tâm đến các gói thầu dịch vụ bảo vệ. Có thể kể đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai; Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM); Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); Bệnh viện Phụ sản Hải Dương; Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM)…

Khó đủ bề

Theo quy định của Bộ Y tế, các dịch vụ thuê ngoài tại cơ sở y tế công lập bắt buộc phải lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu rộng rãi. Quy định này đã tạo nên môi trường minh bạch, cạnh tranh giữa các nhà thầu trong nhiều dịch vụ ở bệnh viện như: bảo vệ, giữ xe, giặt ủi, vệ sinh công nghiệp, suất ăn, căng tin…

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, các BMT đều cho rằng, dịch vụ bảo vệ trong bệnh viện đang trở thành gói thầu hóc búa. Đầu tiên, kinh phí cho hoạt động này thấp nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà thầu. Thứ hai, các gói thầu đòi hỏi số lượng nhân sự lớn, áp lực cao, tiếp xúc nhiều, có rủi ro về sức khỏe. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát phức tạp, rất nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ này đã bỏ cuộc vì an toàn, một BMT tại TP.HCM chia sẻ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Bệnh viện quận Bình Thạnh cho biết, dù HSMT đã bỏ đi một số tiêu chí đặc thù để tạo cơ hội cho nhiều nhà thầu tham gia, nhưng gói thầu phải liên tục hoãn, hủy do không có nhà thầu quan tâm, hoặc nhà thầu không đáp ứng yêu cầu.

Một số nhà thầu chia sẻ, doanh nghiệp nào cũng muốn dự thầu, trúng nhiều gói thầu để tăng doanh thu, tuy nhiên, tính chất của dịch vụ bảo vệ, đặc biệt trong các bệnh viện công giữa bối cảnh dịch bệnh như hiện nay khiến nhà thầu e ngại. “Bảo vệ là lao động phổ thông hay nhảy việc, gồm nhiều độ tuổi. Do đó, nhiều yếu tố bắt buộc chúng tôi phải cân nhắc, thậm chí không tham gia đấu thầu trong giai đoạn này”, một nhà thầu tại Cần Thơ cho biết.

Trước đây, một số BMT đưa ra yêu cầu trong HSMT là nhà thầu phải có hợp đồng tương tự “từng cung cấp dịch vụ bảo vệ cho bệnh viện công lập”, nhưng vẫn có nhiều nhà thầu tham gia. Hiện nay, phần lớn BMT đã bỏ yêu cầu này, nhưng nhà thầu vẫn chẳng mặn mà.

Chuyên đề