Khó khăn đang bủa vây thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang đối diện với rủi ro bị sụt giảm thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản.
Một số tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đang đối diện với rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Ảnh: Ngô Ngãi
Một số tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đang đối diện với rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Ảnh: Ngô Ngãi

Trong một văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ ngày 7/11/2022, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản đang đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.

Bởi lẽ hiện nay đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn; lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản.

Đặt mục tiêu tồn tại là trên hết trong lúc cam go này, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản gần đây phải thực hiện các biện pháp được xem là “đau đớn” nhưng không thể khác được. Cụ thể, họ đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động như Novaland là một ví dụ). Đa phần những trường hợp bị cho nghỉ việc thường rơi vào bộ phận kinh doanh, mà cụ thể ở đây là nhân viên môi giới.

Ngoài cắt giảm nhân sự, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất - kinh doanh. Các hoạt động dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO là điều các doanh nghiệp đang buộc phải lựa chọn.

Đặc biệt, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, đành phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy rủi ro, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng).

Nhiều chuyên gia cho hay, việc bán dự án với giá hời ở một khía cạnh nào đó có thể tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài nhân cơ hội này thôn tính, làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.

Bình luận về những khó khăn này, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, tất cả những vấn đề nêu trên không chỉ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước mà còn tác động đến vấn đề an sinh xã hội cũng như cuộc sống của người lao động.

Vẫn theo ông Châu, tình thế khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm “tiền khủng hoảng” đã dẫn đến thị trường này bị “đóng băng” trong giai đoạn 2008 - 2013 (trừ khoảng thời gian phục hồi ngắn từ cuối năm 2009 - 2010).

Minh chứng, thị trường bất động sản "nóng sốt" năm 2007, đến đầu năm 2008 đã “đóng băng”. Tương tự, 3 quý đầu năm 2022 thị trường "sốt giá" nhà đất, bước sang quý IV đang bị chững lại.

Một vấn đề mới cần quan tâm so với năm 2007 - 2008 là năm 2023 - 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Đây là điểm khác biệt cần xử lý thỏa đáng nên rất cần cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để thị trường bất động sản vận hành thông suốt.

Thời gian qua, HoREA cũng đã nhiều lần đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1 - 2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 - 200 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm, nhưng chưa được xem xét.

Để vượt qua giai đoạn sóng gió này, theo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Đồng thời, xử lý dứt điểm đối với các dự án bất động sản đang triển khai thực hiện bị tạm dừng từ nhiều năm trước do liên quan đến sử dụng quỹ "đất công", cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hoặc rà soát thủ tục pháp lý để để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án.

Riêng các địa phương, khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.

Một tin vui đang lóe lên là sáng nay, 8/11/2022, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ chủ trì cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Thành phần tham dự, ngoài Bộ Xây dựng và HoREA, còn có một loạt "ông lớn" địa ốc như: Novaland, Phú Mỹ Hưng, Becamex, Hưng Thịnh, IMG, Hoàng Quân, Him lam, Đại An, Phú Cường, Sơn Kim land, DIC, Khang Điền.

Doanh nghiệp bất động sản đang chờ "ánh sáng cuối đường hầm" từ cuộc họp này.

Chuyên đề