Khó khăn chồng chất, ông lớn Sabeco sụt giảm mạnh lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) vẽ lên một bức tranh kinh doanh đầy u ám với những dấu giảm trừ ở hầu hết các chỉ số tài chính.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Dòng tiền suy yếu

Luỹ kế nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sabeco giảm mạnh 34,5% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 12.043 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 31,5%, xuống mức 1.933 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn của Sabeco tính đến hết quý II là 26.159 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số đầu năm 2020 là 26.962 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu giảm 2%, nợ phải trả giảm nhưng cơ cấu nợ dài hạn lại tăng so với số đầu kỳ 2020.

Đáng lưu ý, bảng lưu chuyển tiền tệ cho thấy, chỉ số hàng tồn kho của Sabeco tăng 50% từ 271 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019 lên đến 422 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2020. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Sabeco cũng suy yếu, đạt 1.573 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với 2.374 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, mảng bia - mảng kinh doanh cốt lõi và có thể xem là con gà đẻ trứng vàng cho Sabeco suốt những năm qua - có mức sụt giảm 33%. Cụ thể, cùng kỳ năm 2019, mảng bia ghi nhận 16.040 tỷ đồng doanh thu (chiếm 86% nguồn thu) thì sang năm nay, con số này chỉ còn 10.776 tỷ đồng, giảm 33% so với năm ngoái. Doanh thu các mảng khác như bao bì vật tư, doanh thu nước giải khát cũng giảm mạnh. Cộng với chiết khấu thương mại cao cùng với hàng bán bị trả lại tăng mạnh (ghi nhận 993 tỷ đồng), trong khi năm 2019 không có hàng bán bị trả lại, đã làm cho doanh thu thuần của Sabeco teo tóp.

Những khó khăn của Sabeco đã được chỉ ra gồm hai nguyên nhân chính. Đầu tiên là Nghị định 100 có hiệu lực từ đầu năm nay, trong đó có các quy định về xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, khiến lượng tiêu thụ bia cả nước giảm mạnh. Tiếp đó, dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, khó lương khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Sabeco gặp nhiều xáo trộn.

Trong báo cáo về Sabeco hồi tháng 3, các chuyên gia SSI Research dự báo 3 kịch bản về tình hình tiêu thụ năm 2020 của Sabeco với mức giảm sản lượng lần lượt là 12%, 15% và 20%, tương ứng với tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát, kết thúc vào giữa, cuối và sau quý II. Các giả định này cũng được đưa ra dựa trên yếu tố người tiêu dùng dần thích nghi với quy định cấm lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh quay trở lại với diễn tiến nhanh và phức tạp hơn hồi đầu năm 2020, kỳ vọng phục hồi mạnh sau quý II và tiêu thụ tốt hơn vào mùa hè có thể sẽ tan biến. Mức doanh thu và lợi nhuận mà Sabeco kỳ vọng cuối năm lần lượt đạt 23.800 tỷ đồng (giảm 37%) và 3.252 tỷ đồng (giảm 39%), có thể còn giảm hơn nữa bởi tác động của dịch bệnh quay lại.

ThaiBev hay ai muốn mua nốt 36% cổ phần Sabeco?

Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt danh mục thoái vốn Nhà nước năm 2020. Trong đó, Sabeco nằm trong danh sách chuyển giao từ Bộ Công Thương về SCIC trước ngày 31/8 để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn nhà nước. Hiện, cổ đông nhà nước sở hữu 35% vốn tại Sabeco, tương ứng với 230,8 triệu cổ phần. Nếu tính theo thị giá SAB cuối phiên giao dịch 30/7 là 170.100 đồng/CP, tổng giá trị số cổ phiếu này đạt khoảng 39.236 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD.

Mức giá 1,7 tỷ USD so với giá thời điểm đầu tiên mà ThaiBev (tỷ phú Thái Lan sở hữu 53,95% cồ phần SAB) mua Sabeco là không cao, nhưng đặt trong bối cảnh hiện tại, theo giới mua bán và sáp nhập, SCIC lên kế hoạch chào bán phần vốn nhà nước còn lại ở Sabeco thời điểm này sẽ khó khả thi. Bởi, giới đầu tư sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc nên hay không xuống tiền khi tiêu thụ nội địa đang suy yếu.

Một ứng cử viên sáng giá nhất lúc này có thể là ThaiBev, bởi khi nắm giữ hoàn toàn Sabeco, việc quyết định các chiến lượng kinh doanh sẽ trở nên chủ động.

Bên cạnh đó, Sabeco còn hấp dẫn nhà đầu tư khi sở hữu hàng loạt khu đất vàng với định giá lên đến gần 1.000 tỷ đồng gồm: khu đất tại 46 Bến Vân Đồn (diện tích 3.872 m2 tại Quận 4), khu đất 187 Nguyễn Chí Thanh (17.406 m2, Quận 5), khu đất 474 Nguyễn Chí Thanh (7.729 m2, Quận 10), khu đất 18/3B Phan Huy Ích (2.216 m2, quận Tân Bình). Với quỹ đất khủng này, ThaiBev có thể chuyển nhượng và thu được lợi nhuận lớn khi chủ trương chuyển đổi đất được thông qua.

Tuy nhiên, Thaibev hay nhà đầu tư nào sẽ mua lại số cổ phần Sabeco vẫn là một dấu hỏi lớn bởi với những khó khăn chồng chất khó khăn. Hồi đầu năm đã có luồng thông tin cho rằng, ThaiBev muốn bán cổ phần tại Sabeco. Dù ThaiBev phủ nhận thông tin này song cũng khiến giới đầu tư e ngại về khả năng hoạt động kinh doanh, sinh lời bền vững của Sabeco.

Chuyên đề