Tuy nhiên, có một thực tế là, một số nhà thầu chuyên đi kiện mượn danh Báo Đấu thầu để làm “cây gậy” khiến một số CĐT/BMT phải “giật mình”, “dè chừng” và không ít lần họ đã thành công với CĐT/BMT “yếu bóng vía”.
Một khi nội dung phản ánh được đăng tải trên Báo Đấu thầu, CĐT/BMT khó lòng cố tình phớt lờ kiến nghị hay có ý định che đậy những hành vi tiêu cực. Bởi, khi sự việc tiêu cực được công khai, đưa ra ánh sáng, họ không chỉ đối mặt với sự truy vấn của cấp trên, của các cơ quan chức năng, mà họ còn phải đứng trước “búa rìu” của dư luận.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là những trường hợp nhà thầu mang danh Báo Đấu thầu để đi “dọa” CĐT/BMT với ý đồ riêng. Sự việc nhiều khi chỉ được phát giác một cách rất tình cờ. Mới đây nhất là trường hợp của một nhà thầu ở Ninh Bình gửi đơn kiến nghị lên CĐT/BMT tại Bình Định. Đơn kiến nghị có đề rõ nơi gửi văn bản đồng thời là Báo Đấu thầu. Nhưng trên thực tế, Báo Đấu thầu không nhận được bất cứ văn bản nào của nhà thầu này. Mọi việc tưởng chừng như được dàn xếp êm xuôi, bị lấp liếm bởi chỉ có “mình ta với ta”, không ai biết, chẳng ai hay, nếu như CĐT/BMT sai phạm đó âm thầm “dàn xếp” với nhà thầu kiến nghị để có được hai chữ bình yên. Thậm chí, để được êm chuyện, nhà thầu “ruột” đã được CĐT/BMT chỉ định “ngầm” trúng thầu phải xin gặp để thu xếp việc đề nghị nhà thầu kiến nghị rút lui trong yên lặng. Như vậy là, nhà thầu “thầy kiện” đã đạt được mục đích và đương nhiên là bằng lòng “rút đơn”. Thế nhưng, không may cho nhà thầu “thầy kiện” khi CĐT/BMT có văn bản phản hồi đến Báo Đấu thầu và mọi việc được phanh phui...
Lộ liễu và trắng trợn hơn, có nhà thầu còn gửi đơn kiến nghị đến Báo Đấu thầu, tha thiết, khẩn khoản như thể bị oan ức, bị đối xử bất công và mong Báo vào cuộc để trả lại sự công bằng cho mình trong cuộc thầu. Nhưng đến khi đạt được thỏa thuận ngầm nào đó với CĐT/BMT, nhà thầu kiến nghị bỗng buông một câu nhẹ bẫng “xin rút đơn”.
Việc “xin rút đơn” như thế diễn ra khá nhiều. Chẳng hạn như trường hợp ở một gói thầu tại Trà Vinh trong năm 2017, mặc dù biết rằng chỉ còn 15 phút nữa là đóng thầu, nhưng nhà thầu vẫn cố tình đến mua hồ sơ mời thầu. Tại thời điểm đó, CĐT/BMT không còn bộ HSMT nào để bán, không đủ thời gian để in vì đã sát giờ đóng mở thầu. Giả sử, nhà thầu đó có mua được HSMT thì cũng không thể nào có đủ thời gian đọc kỹ “đề bài”, chưa nói đến việc có chuẩn bị kịp hồ sơ dự thầu hay không. Tuy nhiên, đây là cái cớ có vẻ như rất có lý để nhà thầu đó “làm luật”, gửi cả đơn kiến nghị đến Báo Đấu thầu để lu loa lên rằng CĐT/BMT hạn chế nhà thầu tiếp cận HSMT. Và đúng như dự liệu, sau đó, nhà thầu kiến nghị này xin rút đơn kiến nghị với lý do đã biết trước là “nội dung kiến nghị chưa hợp lý”! Bất cứ một nhà thầu nào muốn tham dự thầu thì một trong những điều quan trọng nhất là phải biết được giờ giấc phát hành HSMT, thời điểm bắt đầu phát hành cho đến thời điểm đóng mở thầu. Do đó, lý do nêu trên là khó có thể chấp nhận được, khó có thể loại trừ hành vi cố ý gây khó CĐT/BMT với ý đồ riêng.
Thực tế còn có một số trường hợp nhà thầu chuyên đi kiện CĐT/BMT, gửi đơn kiến nghị đến Báo Đấu thầu và nhiều cơ quan chức năng khác để làm mất uy tín của CĐT/BMT khiến không ít CĐT/BMT đau đầu, mất ăn mất ngủ. Nắm được “gót chân Asin” này, một số nhà thầu đã thừa cơ “đục nước béo cò”. Trường hợp CĐT/BMT nào có ý đồ thông thầu, một nhà thầu chuyên làm “quân xanh” từng lỡ lời tiết lộ, nếu CĐT/BMT đó “biết điều” chi ra một khoản nào đó thì nhà thầu sẽ rút đơn kiến nghị.
Thiết nghĩ, các CĐT/BMT có trách nhiệm thay vì tìm cách lo lót để xử lý êm, tránh điều tiếng thì cần dũng cảm “chỉ mặt, đặt tên”, lên án những nhà thầu có tiền sử “xin đểu”, cố ý gây rối cuộc thầu để trục lợi. Và để ngăn chặn tình trạng này, rất cần chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe những nhà thầu có ý định xấu.