Việt Nam đã có những tỷ phú đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là những chia sẻ tâm huyết của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Báo Đấu thầu về vai trò, vị thế và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
74 năm về trước, sau ngày Quốc khánh, ngày 13/10/1945, khi nghe tin các công thương gia nhóm họp, thành lập Công Thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta xác định vai trò và sứ mệnh của đội ngũ DN. Bác viết: “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Bác kêu gọi các nhà công thương nghiệp hãy “mau mau gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích nước lợi dân”. Hơn 7 thập kỷ đã qua, nhưng những khẳng định của Bác về vai trò của doanh nhân đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Vào năm 2004, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội DN, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm - ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương - làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây cũng có thể coi là ngày khai sinh của cộng đồng DN Việt Nam trong thời đại mới.
Để khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ DN trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân (KTTN), Đảng ta đã hai lần ra nghị quyết riêng về phát triển KTTN, gồm: Nghị quyết 14-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa IX ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN và Nghị quyết 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ngày 3/6/2017 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có thể thấy, từ định kiến “con buôn”, rồi được thừa nhận tên gọi chính danh “doanh nghiệp”, đến nay, vai trò, vị thế của đội ngũ DN đã có sự thay đổi, đạt được bước tiến dài. Họ đã được đặt ở vị trí trung tâm của xã hội, là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”, là đối tác với Nhà nước trong mối quan hệ công - tư, là đối tượng để phục vụ của Nhà nước kiến tạo.
Đội ngũ DN nói chung và KTTN nói riêng đã đóng góp đưa hàng chục triệu người thoát khỏi nghèo đói, đưa đất nước vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Chúng ta đã có một đội ngũ DN đông đảo gồm hơn 700.000 DN hoạt động theo Luật DN và 5,2 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký).
Vậy những thách thức mà DN phải đối mặt trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Nếu xét về số lượng DN trên đầu dân, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên, về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN. Đất nước cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận, cạnh tranh ngang ngửa, nhưng số đó còn quá ít ỏi. Chúng ta có những DN riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ doanh nhân, DN hùng mạnh và các nhà công nghiệp sánh vai cùng thiên hạ, tính phi chính thức cao, khả năng kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu...
Theo kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN của các DN niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế, chúng ta xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN.
Năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đang ở đâu so với các nước trong khu vực? Theo ông, giải pháp nào mở đường cho DN lớn lên?
Năng lực DN Việt Nam, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới và Ngân hàng Thế giới, cũng mới chỉ ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động của chúng ta cũng chưa cao so với các nước trong khu vực.
Vì vậy, nâng cấp DN đang trở thành yêu cầu bức thiết ở Việt Nam. Các định hướng và nỗ lực phát triển DN do vậy không chỉ cần tập trung vào số lượng DN mà quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng cạnh tranh của các DN trong nền kinh tế. Và trong định hướng nâng cấp DN, phát triển bền vững và chuyển đổi số là hai đường ray chính. DN phải phát triển bền vững, phải quốc tế hóa và số hóa để trở thành công dân có trách nhiệm và tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu. Không ai đứng ngoài cuộc cách mạng này. DN nhỏ mà kinh doanh bền vững sẽ thành công, DN lớn mà ăn xổi, ở thì sẽ thất bại.
Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài như: sự chuyển đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp ứng dụng công nghệ số, những thay đổi rất lớn trong dòng chảy đầu tư toàn cầu, sự đổi chiều khó lường của các cuộc thương chiến giữa những nền kinh tế lớn trên thế giới… Do đó, để mở đường cho DN lớn lên, Chính phủ cần tháo gỡ và khắc phục nhanh những điểm nghẽn về thể chế, những vướng mắc, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, bảo đảm sự nhất quán trong khung khổ pháp luật hiện nay về DN và đầu tư kinh doanh.
Chúng tôi hy vọng, Dự thảo Luật DN sửa đổi lần này đang được Chính phủ trình Quốc hội sẽ thúc đẩy trọng tâm ưu tiên này, tăng cường quản trị và thúc đẩy hành trình minh bạch hóa và nâng cấp DN, đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh. Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2 tạo hệ sinh thái cho sự bừng nở của lứa DN khởi nghiệp sáng tạo.
Về sứ mệnh của DN, từ tầm nhìn Việt Nam hùng cường 2045, tôi kêu gọi mỗi DN hãy góp phần làm giàu cho đất nước, không bằng lòng với “giấc mơ nho nhỏ” riêng cho gia đình mình và DN mình. “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng” (theo cách nói của Bác Hồ) phải là khát vọng, là mục tiêu, là đích đến của mỗi DN.