Khát vốn đầu tư chống sạt lở ở miền Tây

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Mỗi năm có hàng trăm điểm sạt lở trên địa bàn gây mất đất, đe dọa cuộc sống, tài sản của người dân. Hàng chục ngàn tỷ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đã dồn cho các dự án chống sạt lở nhưng chưa thể xử lý triệt để vấn đề này.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần gần 8.200 tỷ đồng để xử lý dứt điểm 76 điểm sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Ảnh: Hoàng Trung
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần gần 8.200 tỷ đồng để xử lý dứt điểm 76 điểm sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Ảnh: Hoàng Trung

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng tỉnh Sóc Trăng - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng sạt lở, kinh phí trung ương đã rót hơn 510 tỷ đồng. Theo đó, nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển và các khu vực đê bao, bờ bao xung yếu của Sóc Trăng đã được đầu tư, từng bước khắc phục hiệu quả tình trạng sạt lở, ngập lụt, góp phần ổn định cuộc sống của người dân.

Từ năm 2018 đến nay, TP. Cần Thơ đã hoàn thành đầu tư 10 dự án kè chống sạt lở với chiều dài gần 18,5 km, kinh phí 2.639 tỷ đồng. Chưa kể, Cần Thơ hiện có 8 công trình kè đang triển khai dài 21,12 km, kinh phí 2.345 tỷ đồng. Ngoài ra, Thành phố đang xúc tiến triển khai Dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp trên sông Trà Nóc có kinh phí gần 531 tỷ đồng...

Tại Tiền Giang, trước tình trạng một số huyện đầu nguồn phía Tây xảy ra hàng trăm điểm sạt lở lớn, nhỏ với tổng chiều dài gần 4,7 km, Tỉnh đã trích kinh phí trên 42 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xử lý 74 điểm sạt lở.

Tỉnh Vĩnh Long đã xây 20 tuyến kè kiên cố chống sạt lở dài 14,6 km, tập trung ở các đô thị với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng. UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, Tỉnh vừa phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Tiền (đoạn từ sông Cái Đôi đến bến phà Mỹ Thuận) với mức đầu tư dự kiến 300 tỷ đồng.

Tỉnh Long An sau nhiều lần kiến nghị đã được hỗ trợ kinh phí triển khai dự án kè tại các khu vực nguy cơ như Cần Giuộc, Đức Huệ, Tân An với mức kinh phí gần 200 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2018 đến nay đã ưu tiên vốn hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư các dự án chống sạt lở. Tổng kinh phí ngân sách trung ương dành cho các dự án này là hơn 6.622 tỷ đồng. Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ kế hoạch huy động hơn 2.000 tỷ đồng vốn ODA để đầu tư các dự án này.

“Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang... vẫn rất nghiêm trọng. Nhu cầu vốn để triển khai dự án tại mỗi địa phương, tại các khu vực kết nối vùng đều cấp bách. Áp lực này đang dồn lên ngân sách nhà nước”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Chỉ tính riêng tỉnh Sóc Trăng, do hạn chế về kinh phí đầu tư nên hiện nay trên địa bàn vẫn còn 9 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 7,091 km và nhiều đoạn đê bao xuống cấp chưa được xử lý. Do vậy, việc tiếp tục bố trí kinh phí để xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển và gia cố đê bao bảo vệ sản xuất là cần thiết.

Trong khi đó, tỉnh Cà Mau cho biết, Tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu xây dựng hệ thống đê, kè kiên cố trên từng đoạn của 254 km bờ biển, trong đó đặc biệt chú trọng gia cố tuyến đê biển Tây. Kinh phí cho các gói thầu này đang đè nặng lên ngân sách địa phương, do đó tiến độ triển khai rất chậm.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, đến năm 2030, Tỉnh cần hơn 19.200 tỷ đồng để thực hiện Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, được chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Các tỉnh Long An, An Giang... cũng cần lượng vốn lớn cho các dự án tương tự.

Là trung tâm của khu vực nhưng TP. Cần Thơ cũng không đủ kinh phí để thực hiện các công trình, dự án khắc phục sự cố sạt lở. Thành phố cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục các điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang cần gần 8.200 tỷ đồng để xử lý dứt điểm 76 điểm sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Trong bối cảnh nguồn vốn trung ương gặp nhiều khó khăn, các tỉnh cần ưu tiên bố trí ngân sách từ địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung xử lý các điểm trọng điểm sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo vệ dân cư.

Chuyên đề